Đại tướng Lê Đức Anh với công tác báo chí Quân đội
Trong hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Lê Đức Anh đã đảm nhiệm nhiều trọng trách và có đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Nói như nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười thì “Đại tướng Lê Đức Anh là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta”. Ông là người thường xuyên coi trọng, quan tâm, có những chỉ đạo sâu sắc, quan trọng với công tác báo chí nói chung, đặc biệt là báo chí quân đội.
Ở các cương vị, trọng trách được giao, đặc biệt khi là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tiếp đến là Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh thường xuyên dành cho báo chí quân đội những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Những ý kiến chỉ đạo, gợi mở của ông về chống thói làm báo nặng về hiếu hỉ, lễ tân, cũng như trách nhiệm của báo chí trong nêu gương tốt, chống thói hư, tật xấu và tệ nạn trong xã hội, phục vụ quyền lợi thiết thân của người dân... vẫn nóng hổi tính thời sự.
Đầu tháng 12/1995, Ban biên tập và một nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân có dịp được đi theo Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong những chuyến công tác trong nước và nước ngoài, được may mắn đến xin ý kiến và trao đổi với Chủ tịch nước về công tác báo chí. Trong các buổi gặp đó, Đại tướng Lê Đức Anh đã có nhiều trao đổi, chỉ đạo sâu sắc về công tác báo chí nói chung, báo chí quân đội nói riêng. Ông đã nói đến các vấn đề cập nhật của báo chí như thông tin phải trung thực, đa dạng, nhiều chiều; tính hấp dẫn và thuyết phục; phê phán cái xấu nhưng phải coi trọng xây dựng cái tốt, hướng tới điều tốt đẹp... Ông thẳng thắn nêu thực trạng: “Báo chí ta thường có nhược điểm là hay nói một chiều. Trước đây, nói đến chủ nghĩa tư bản là chỉ nói đến những điểm xấu. Bây giờ, đi ra nước ngoài, được người ta dẫn đi xem những cái hay, cái đẹp của chủ nghĩa tư bản, thế là về nước viết bài ca ngợi hết lời và phủ định luôn chủ nghĩa xã hội. Viết như thế là đúng điều anh em đã nhìn thấy nhưng lại không đúng bản chất, không đúng với thực trạng tình hình ở các nước đó, vô hình trung là không trung thực vì đó mới là một phần của sự thật. Viết về chủ nghĩa xã hội cũng vậy. Những bài viết hô khẩu hiệu, lên gân không đi vào lòng người được đâu”.
Ông gợi mở: “Báo chí muốn hấp dẫn người đọc thì phải mang đến những thông tin họ quan tâm. Đó cũng chính là những vấn đề các nhà lãnh đạo phải tập trung suy nghĩ giải quyết để đưa đất nước đi lên. Ví như báo chí phải tích cực tham gia phát huy tích cực và chống tiêu cực. Càng đi ra nước ngoài nhiều càng thấy thế giới ngày nay cạnh tranh quyết liệt lắm, làm ăn khó lắm. Đồng vốn vay về quay đi quay lại “bốc hơi” một ít. Sản xuất, kinh doanh kém, thua lỗ, lãi mẹ đẻ lãi con thì thật nguy hiểm. Nếu như vậy thì hậu quả khó tránh là đến đời con, đời cháu chúng ta cũng không trả hết nợ do cha, ông để lại. Thấy vị giám đốc nào đi xe đẹp, xây nhà to mà xí nghiệp, công ty làm ăn thua lỗ, đời sống công nhân khó khăn các đồng chí cứ nêu lên báo để nhân dân phán xét”. Chủ tịch cho rằng, bên cạnh nội dung của thông tin thì sự diễn đạt, cách thức thể hiện thông tin là rất quan trọng: “Các đồng chí phải viết thế nào để trong bài viết không cần có chữ “định hướng”, mà từ chi tiết đến toàn bài lại toát ra định hướng, ngấm vào người đọc một cách tự nhiên. Sức thuyết phục của báo chí chính là chỗ đó”.
Chủ tịch nước Lê Đức Anh còn nhắc nhở về các tin bài còn nặng tính “hiếu hỉ” của báo chí quân đội. Ông cho rằng, do nhiều “hiếu hỉ” nên thông tin còn ít. “Có người nói thẳng với tôi rằng, đối với nhiều báo gửi lãnh đạo, họ thường chỉ xem lướt qua cái đầu đề, vì những điều báo đề cập đã được nói rõ ở các nghị quyết”. Ông có những gợi ý sâu sắc về cách đưa tin hoạt động của lãnh đạo: “Thông tin về hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội là rất quan trọng, nhân dân cần phải biết. Vấn đề là đưa tin như thế nào? Theo tôi, mỗi hoạt động chỉ nên viết về người lãnh đạo vài ba dòng thôi, còn thì phải thông tin cho dân biết nơi các đồng chí lãnh đạo đến làm việc tình hình ra sao, cả mặt tốt và mặt chưa tốt. Dân rất cần biết những điều đó. Báo chí đưa tin hoạt động của lãnh đạo, chứ không phải tuyên truyền cho lãnh đạo”. Chủ tịch nước cũng bày tỏ sự tán đồng với ý kiến của một phóng viên: Cách làm báo của ta phải đạt hai yêu cầu: Được lãnh đạo chấp nhận và nhân dân đồng tình.
Về mối quan hệ giữa “xây và chống”, Chủ tịch nước Lê Đức Anh lấy ví dụ: “Mới đây, tôi có xem một vở kịch ngắn trên truyền hình, trong đó nói về người nông dân Hà Nam nghèo khó nhưng lại có tấm lòng, có đạo đức, còn mấy kẻ giàu có ở Hà Nội là thân nhân của cháu bé bị lạc lại quá vô lương tâm. Nhưng nếu vì thế mà lại khái quát lên rằng tất cả mọi người dân Hà Nội đều vô lương tâm, chỉ có dân quê nghèo khó mới có đạo đức thì lầm to. Đúng như lời bác thợ cạo trong vở kịch là: “Ở Hà Nội có rất nhiều người tốt. Cái bọn xấu kia chỉ là rác rưởi, phải tìm cách quét nó đi”. Vì thế, bên cạnh việc chống tiêu cực, phê phán cái xấu, phải hết sức chú trọng phát hiện biểu dương những nhân tố mới; những điểm sáng trong sản xuất, kinh doanh; người tốt, việc tốt ở các địa phương, các ngành, các đơn vị”.
Trên các cương vị công tác, Đại tướng Lê Đức Anh thường xuyên quan tâm đến báo chí quân đội, thông hiểu, tạo điều kiện tốt nhất cho những người làm báo hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ông cũng luôn bày tỏ niềm tin tưởng sâu sắc về truyền thống vẻ vang và tương lai phát triển, đặt ra yêu cầu cao với báo chí cách mạng nói chung, báo chí quân đội nói riêng. Trong lần đến thăm và chúc mừng các nhà báo nước ta vào đúng ngày kỷ niệm truyền thống lần thứ 70 (21/6/1925 - 21/6/1995) và 45 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có phát biểu sâu sắc. Ông tin tưởng trong giai đoạn cách mạng hiện nay, với những thời cơ thuận lợi mới và những thử thách mới, các nhà báo nước ta sẽ tiếp tục phát huy truyền thống quý báu của báo chí cách mạng Việt Nam, góp phần tích cực trên các lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội...
Đến dự lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Báo Quân đội nhân dân ra số đầu tiên và đón Huân chương Hồ Chí Minh ngày 20/10/1990, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu động viên: “Toàn quân ta có quyền tự hào về tờ báo Quân đội nhân dân của mình. Đội ngũ thế hệ cán bộ, phóng viên, công nhân viên, chiến sĩ của báo hôm nay có quyền tự hào về thế hệ của các đồng chí đi trước, về những phóng viên đã hy sinh anh dũng ngoài mặt trận... Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Báo Quân đội nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang đã làm tốt và cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ trên mặt trận đấu tranh và xây dựng tư tưởng một cách khoa học và đầy sức thuyết phục, cần tuyên truyền cổ vũ một cách sinh động quân và dân ta thực hiện hai nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Khi báo Quân đội nhân dân thứ bảy (nay là báo Quân đội nhân dân cuối tuần) ra số báo đầu tiên, ngày 26/6/1990, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trực tiếp viết tay lời chúc mừng, trong đó yêu cầu báo: “Không ngừng phấn đấu góp phần đáp ứng yêu cầu tinh thần, nhu cầu được thông tin của bạn đọc trong và ngoài quân đội. Báo viết hay, lượng thông tin nhiều và đa dạng, in ấn đẹp, được bạn đọc gần xa ưa thích. Đó là cách góp phần tốt nhất cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ hòa bình và xây dựng tình hữu nghị giữa nhân dân các nước”.
Nguyễn Viết Sơn và Hồ Quang Lợi - nguyên là hai phóng viên của Báo Quân đội nhân dân từng được tháp tùng Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong nhiều chuyến công tác trong nước và nước ngoài (Đại tá Nguyễn Viết Sơn đã mất, Đại tá Hồ Quang Lợi hiện là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam). Đầu tháng 12/1995, hai ông đã dự cuộc gặp mặt thân tình của Chủ tịch nước Lê Đức Anh với một số cán bộ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Hai phóng viên đã có bài viết “Nhân dân cần gì?” đăng trang trọng trên Báo Quân đội nhân dân ghi lại chi tiết nội dung cuộc gặp với những tình cảm và chỉ đạo sâu sắc của Chủ tịch nước với báo chí cách mạng Việt Nam, trực tiếp là báo chí quân đội. Bài viết có đoạn: “Đối với không ít bạn đọc, công việc cũng như suy tư hằng ngày của các nhà lãnh đạo quốc gia là điều không dễ hình dung. Cuộc chuyện trò tối hôm đó tại nhà ở của Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã cho chúng tôi một nhận thức sâu sắc hơn về mối quan tâm thường nhật của vị Chủ tịch nước. Không có gì bức xúc hơn là những nhu cầu thiết yếu của người dân, chỉ những điều có ý nghĩa đối với cuộc sống của nhân dân thì mới có giá trị đích thực. Đã có lần chúng tôi nhìn thấy Chủ tịch nước Lê Đức Anh xắn quần lội trong nước lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long để thăm hỏi, động viên những người dân mất nhà mất cửa, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn. Lúc đó, điều quan tâm nóng bỏng nhất của Chủ tịch nước là cái ăn, cái mặc, chỗ nương thân của người dân. Còn bây giờ, khi gặp cánh nhà báo chúng tôi, Chủ tịch nước lại quan tâm trên hết đến nhu cầu thông tin, quyền được thông tin của nhân dân. Chúng tôi hiểu đó không chỉ là một tấm lòng, mà còn là một trí tuệ năng cảm luôn trăn trở trước những đòi hỏi chính đáng và ước muốn của người dân lao động”.
Từ suy nghĩ, tình cảm và chỉ đạo của Đại tướng Lê Đức Anh với báo chí trong các cuộc gặp, làm việc, trong các bài viết, bài phát biểu, có thể rút ra những điều cốt yếu nhất cho báo chí quân đội hiện nay như sau:
Thứ nhất, thông tin trên báo chí phải khách quan.
Đây là chức năng, nhiệm vụ, cũng là yêu cầu quan trọng hàng đầu của báo chí. Đại tướng Lê Đức Anh cho rằng, thông tin báo chí phải trung thực, đa dạng, tránh nói một chiều.
Thứ hai, tìm hiểu và đi đến cùng sự thật.
Đó là nguyên tắc cơ bản của báo chí, là đặc trưng, là chuẩn mực của báo chí cách mạng và báo chí quân đội. Đại tướng Lê Đức Anh cho rằng làm được điều này, đòi hỏi nhà báo phải dũng cảm, có trí tuệ và kinh nghiệm, vì động cơ trong sáng: “Làm việc có ích cho dân, cho nước, không có sai phạm, tại sao sợ? Làm báo phải dũng cảm”- ông từng nói.
Thứ ba, các nhà báo phải luôn rèn luyện, tư duy và lao động trí tuệ thực thụ.
Đại tướng Lê Đức Anh luôn thấu hiểu lao động đặc thù của báo chí nên ông đồng cảm, tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên tác nghiệp, đồng thời yêu cầu họ phải luôn phấn đấu, vươn lên. Ông cho rằng: “Nhà báo phải làm việc căng thẳng, phải lao tâm khổ tứ, phải mất nhiều tâm sức”; phải quan tâm, tạo điều kiện cho phóng viên hoàn thành nhiệm vụ...
Thứ tư, báo chí phải thực chất, coi trọng thông tin, không hiếu hỉ.
Ông khẳng định: “Tin hay bài, điều quan trọng là ở lượng thông tin, không có thông tin mới, người ta không đọc” và “do nhiều hiếu hỉ nên thông tin còn ít. Cái mà dân cần báo chí cung cấp là thông tin”. Đây là những chỉ đạo rất sát với tình hình báo chí, đến nay vẫn mang tính thời sự.
Thứ năm, tính chiến đấu của báo chí.
Báo chí cách mạng cần bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; phát huy vai trò, hiệu quả trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, bác bỏ các quan điểm sai trái, phê phán các luận điệu xuyên tạc và các hành vi chống phá của các thế lực thù địch với công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, “phê phán cái xấu nhưng phải coi trọng xây dựng cái tốt, hướng cái điều tốt đẹp” như ông từng nhắc nhở.
Thứ sáu, phương pháp đưa tin như thế nào?
Theo Đại tướng Lê Đức Anh, tin trong nước, tin thế giới, tin văn hóa - thể thao, chuyện lạ đó đây... rất hấp dẫn người đọc. Nên coi trọng tin và bình luận ngắn. Mỗi sự kiện nổi bật xảy ra trong nước và thế giới cần có bình luận kịp thời, ngắn gọn sắc bén làm rõ vài ba ý để hướng dẫn dư luận.
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Anh, những người làm báo ở các cơ quan báo chí quân đội, trong đó có các cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên, chiến sĩ và người lao động Báo Quân đội nhân dân luôn ghi nhớ tình cảm và những chỉ đạo ân cần, sâu sắc của Đại tướng Lê Đức Anh. Trong giai đoạn phát triển mới, chúng tôi nguyện noi gương đồng chí Lê Đức Anh và các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, ra sức phấn đấu, học tập, lao động và cống hiến sức lực, trí tuệ, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Với Báo Quân đội nhân dân, chúng tôi mới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống (20/10/1950 - 20/10/2020). Thật vinh dự, tự hào, tờ báo của lực lượng vũ trang được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đặt tên. Người nói: Quân đội ta là Quân đội nhân dân, tờ báo của quân đội là: “Báo Quân đội nhân dân”. Ngay trong quá trình chuẩn bị số báo đầu tiên, Bác Hồ đã căn dặn Báo Quân đội nhân dân những điều hết sức gần gũi mà sâu sắc: Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác. Lời căn dặn của Bác đã trở thành kim chỉ nam không chỉ đối với người làm báo quân đội mà cả với toàn thể những người làm báo cách mạng, đó là những lời khắc cốt ghi tâm và đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, quán triệt lời dạy của Bác Hồ và chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, trong đó có Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trong thời gian tới, Báo Quân đội nhân dân cần đổi mới mạnh mẽ, có những giải pháp cơ bản, đột phá, cả trong tuyên truyền, hoạt động xã hội và xây dựng cơ quan, Đảng bộ trong sạch vững mạnh.
Đại tướng Lê Đức Anh đã đi xa nhưng tình cảm, sự quan tâm và những chỉ đạo sâu sắc của ông vẫn luôn đồng hành trong bước đường đổi mới, hiện đại hóa và phát triển báo chí quân đội nói chung, Báo Quân đội nhân dân nói riêng. Nhớ về ông là nhớ về một nhà lãnh đạo quân sự, chính trị tài năng, luôn thấu hiểu và dành cho báo chí sự ưu ái, thân tình, với nhiều tư tưởng, quan điểm về báo chí cách mạng và người làm báo của ông đến nay vẫn nóng hổi tính thời sự.
Đại tá ĐOÀN XUÂN BỘ