Quay lại

Đại tướng Lê Đức Anh với công tác đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược

Đại tướng Lê Đức Anh tham gia cách mạng từ rất sớm, vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 5/1938. Tháng 8/1945, đồng chí tham gia quân đội và giữ nhiều chức vụ chỉ huy từ đại đội, chi đội, trung đoàn đến Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
 

Dù ở cương vị lãnh đạo, chỉ huy nào trong quân đội, sau này là Chủ tịch nước, đồng chí luôn là nhà lãnh đạo, chỉ huy thao lược, có tầm nhìn chiến lược sâu rộng và có nhân cách lớn; đã góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Đại tướng Lê Đức Anh luôn quan tâm đến giáo dục, đào tạo cán bộ; đặc biệt là đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược. Và sự quan tâm đó được thể hiện trên những vấn đề chủ yếu sau:


 

1. Đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng quân đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1991 là giai đoạn Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, khi đó Đại tướng Lê Đức Anh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đề xuất với Bộ Chính trị nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước; nhất là về lĩnh vực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; về tổ chức xây dựng quân đội vững mạnh, giảm biên chế quân số thường trực gắn liền với điều chỉnh bố trí lực lượng, tạo thế chiến lược trên phạm vi toàn quốc. Đây là một trong những sự kiện lớn nhất trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam; phù hợp với sự nghiệp đổi mới được Đại hội lần thứ VI của Đảng khởi xướng, khắc phục được những khó khăn của đất nước, nâng cao khả năng tác chiến của các lực lượng vũ trang, giữ vững và tăng cường được khả năng phòng thủ đất nước. “Đó là con đường đổi mới trong xây dựng Quân đội nhân dân, đổi mới công cuộc xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ quốc phòng và an ninh, kết hợp chặt chẽ công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Thực hiện đổi mới trong xây dựng quân đội nhân dân, củng cố nền quốc phòng toàn dân đã đặt ra việc tăng cường xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ các cấp; nhất là đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược là vấn đề mang tính chiến lược, có ý nghĩa quyết định sự phát triển của quân đội cả trước mắt và lâu dài. Đại tướng Lê Đức Anh là Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chủ trì cùng các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy ra Nghị quyết số 115/NQ-ĐUQSTW về công tác nhà trường quân đội. Nghị quyết nêu rõ chủ trương mới về mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo và xác định rõ đối tượng tác chiến của quân đội: “từ mục tiêu đào tạo chỉ huy tham mưu chiến dịch, chiến lược sang đào tạo sư đoàn trưởng, huấn luyện chiến thuật theo hướng sư đoàn bộ binh tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng với đối tượng là quân “xanh”. Đại tướng luôn quan tâm và sâu sát với công tác đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược. Ngày 31/8/1987, Đại tướng đã trực tiếp chủ trì Hội nghị quán triệt Nghị quyết số 115/NQ-ĐUQSTW về công tác nhà trường cho các lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan các học viện, nhà trường, trong đó có Học viện Quân sự cấp cao. “Hội nghị đã chỉ rõ nhiệm vụ của các Học viện, nhà trường là:

- Từng học viện, từng trường xác định chương trình, mục tiêu, yêu cầu, nội dung, thời gian, phương pháp để thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-ĐUQSTW của thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương.

- Do chuyển đổi mục tiêu, yêu cầu huấn luyện - đào tạo, nên trước mắt các học viện, nhà trường phải tập trung nhân lực, trí tuệ khẩn trương biên soạn mới, sửa đổi hệ thống tài liệu, giáo trình, giáo án, tưởng định, tập bài cho phù hợp. Biên soạn được đến đâu vận dụng vào các lớp đang học để anh em đóng góp ý kiến tiếp tục sửa chữa bổ sung hoàn chỉnh chuẩn bị cho khóa sau”. Đại tướng sau khi nghe báo cáo đề nghị của Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao, đã quyết định đồng ý cho Học viện Quân sự cấp cao hoãn chiêu sinh lớp đào tạo sư đoàn trưởng khóa X sau một khóa để tập trung làm tốt công tác chuẩn bị và biên soạn lại tài liệu, giáo trình có chất lượng.

Qua thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-ĐUQSTW và kết quả các khóa đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược; sau này mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược tiếp tục được bổ sung cho phù hợp với nhiệm vụ xây dựng quân đội và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ của Học viện Quân sự cấp cao: “Lấy đào tạo ra trường là sư đoàn trưởng làm mục tiêu đào tạo, đồng thời phải giỏi về công tác tham mưu, để có thể về làm công tác tham mưu ở cơ quan cấp quân đoàn, quân khu và ở Bộ, nhưng khi cần vẫn xuống làm sư đoàn trưởng được”.

 Đồng thời với việc tổ chức lớp đào tạo dài hạn hai năm với đối tượng đào tạo sư đoàn trưởng, Học viện tổ chức lớp bổ túc cán bộ chiến lược theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng và Công văn số 297/NT của Cục Nhà trường - Bộ Tổng Tham mưu về tổ chức lớp bổ túc cán bộ chiến lược với đối tượng chiêu sinh là “thủ trưởng quân khu, quân đoàn và tương đương, đi học theo quy hoạch cán bộ chủ trì quân khu, quân đoàn”, qua khóa học, học viên được bồi dưỡng một số vấn đề cơ bản và phát triển mới của đường lối quân sự, nghệ thuật quân sự và khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), nâng cao trình độ chỉ huy - tham mưu ba cấp.
 

2. Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược, nâng cao năng lực tư duy, tác phong công tác

Căn cứ vào Nghị quyết số 115/NQ-ĐUQSTW, chỉ thị của Bộ trưởng, Học viện Quân sự cấp cao nắm vững mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu đào tạo để tập trung xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện, nghiên cứu khoa học cả về nội dung và phương pháp, quán triệt ngày càng sâu hơn những quan điểm, tư tưởng quân sự và sự phát triển mới. Trước hết nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ giáo viên, cán bộ quản lý học viên.

Trên cơ sở đó, Học viện Quân sự cấp cao xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo cho từng đối tượng, thời gian đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược dài hạn, ngắn hạn báo cáo Bộ phê duyệt. Chương trình, nội dung đào tạo được phân bổ phù hợp cả về giảng dạy lý luận, thảo luận và tập bài; với lớp đào tạo sư đoàn trưởng hai năm có chương trình đi thực tập hai tháng ở các quân khu, quân đoàn. Nội dung đào tạo được phân bổ thích hợp giữa các môn học, tập trung nghiên cứu nghệ thuật quân sự, phương thức tác chiến mới đánh đối tượng tác chiến là quân “xanh”. Chú trọng nghiên cứu lịch sử nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ biên giới; rút ra những kinh nghiệm quý báu và vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo đơn vị tác chiến trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Vận dụng phương pháp đào tạo phù hợp, học viên dễ hiểu, dễ tiếp thu, phát huy tính sáng tạo của học viên, vận dụng tư duy lý luận vào thực tiễn đạt hiệu quả. Kết hợp giữa phương pháp dạy học tích cực với phương pháp tổ chức tham quan các đơn vị; giành nhiều thời gian thực hành thảo luận, tập bài, diễn tập và thực tế, thực tập ở các đơn vị.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ, ngày 17/10/1988, Học viện tổ chức lớp đào tạo khóa IX đi thực tập hai tháng ở các Quân khu 1, 2, 3 và Quân đoàn 1, Quân đoàn 2 trên cương vị sư đoàn phó và tham mưu trưởng sư đoàn. Trong thời gian thực tập, học viên vận dụng chuyển hướng sang huấn luyện với đối tượng tác chiến mới là quân “xanh”. Trong thời gian thực tập ở các đơn vị, học viên có điều kiện kiểm nghiệm những vấn đề lý luận đã học trong thực tiễn chỉ huy đơn vị. 
 

3. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học quân sự luôn gắn với đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược

Nghiên cứu khoa học quân sự luôn gắn với đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) đề ra đường lối đổi mới đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Về lĩnh vực quốc phòng, trên cương vị Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh đã cùng tập thể Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung nghiên cứu, điều chỉnh tổ chức biên chế lực lượng thường trực; bố trí chiến lược của quân đội cho phù hợp với kế hoạch phòng thủ cơ bản trong thời kỳ mới; xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh; xây dựng công nghiệp quốc phòng tự chủ, có khoa học - kỹ thuật tiên tiến phát huy được sức mạnh toàn dân, toàn diện, tạo nên sức mạnh phòng thủ đất nước và đủ sức mạnh giải quyết thắng lợi mọi tình huống chiến tranh. Với tầm nhìn chiến lược, tư duy lý luận, nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn của Đại tướng cùng với các đồng chí trong Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng làm cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02/NQ-TW ngày 30/7/1987 xác định nhiệm vụ quốc phòng đến năm 1990 và những năm tiếp theo.

Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo biên soạn văn bản hướng dẫn và triển khai thực hiện đổi mới về lĩnh vực quốc phòng; Đại tướng lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan Bộ Quốc phòng, nhất là chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu và các học viện, nhà trường đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, biên soạn tài liệu, giáo trình đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược. Tập huấn cán bộ về những quan điểm, chủ trương, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng về quân sự, quốc phòng, về phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính, lâu dài, tự lực, tự chủ và đoàn kết quốc tế... đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 

Đại tướng Lê Đức Anh rất chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, rút ra những kinh nghiệm để vận dụng vào thực tiễn bảo vệ Tổ quốc. Ngày 01/9/1987, Đại tướng quyết định thành lập Hội đồng chỉ đạo biên soạn công trình nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng và chỉ đạo Học viện Quân sự cấp cao tổ chức bộ phận biên tập lịch sử quân sự và nghệ thuật chiến dịch trong 30 năm chiến tranh giải phóng. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu vào nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ; nâng cao năng lực vận dụng linh hoạt vào thực tiễn chỉ huy, chỉ đạo huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Trước tình hình, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, công tác đào tạo cán bộ được chú trọng; bảo đảm cho học viên nắm vững tư duy lý luận mới, phù hợp với tổ chức biên chế trang bị, phương pháp tác chiến với đối tượng tác chiến mới. Ngày 11/7/1991, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp nghe Học viện Quân sự cấp cao báo cáo nội dung hai giáo trình về sư đoàn bộ binh đánh đối tượng mới bằng vũ khí mang vác trong tiến công và phòng ngự2.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học bảo đảm cho việc biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy cho học viên đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược đạt chất lượng, hiệu quả hơn. Nâng cao trình độ tư duy lý luận để vận dụng vào thực tiễn lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo ở cơ quan, đơn vị sau này. 
 

4. Bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên là nhiệm vụ quan trọng, quyết định đến chất lượng đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược. Mặc dù ở cương vị lãnh đạo, chỉ huy bận nhiều công việc, nhưng Đại tướng Lê Đức Anh luôn dành thời gian, sâu sát quan tâm đến công tác nhà trường, quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược; nhất là chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược. Đại tướng chỉ đạo cơ quan Bộ Quốc phòng trên cơ sở chuyển hướng đào tạo cán bộ theo tinh thần Nghị quyết số 115/NQ-ĐUQSTW để thống nhất và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng, từ ngày 01 đến 22/9/1988, cơ quan Bộ Quốc phòng tổ chức tập huấn chiến thuật cấp sư đoàn cho hơn 300 cán bộ, giảng viên từ cấp thiếu tá trở lên cho các học viện, nhà trường (Học viện Quân sự cấp cao, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Quân y, Học viện Chính trị - quân sự và Trường trung cấp Biên phòng) và giao cho Học viện Quân sự cấp cao chủ trì.

Đại tướng Lê Đức Anh luôn quan tâm công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực tư duy, phương pháp và tác phong sư phạm của đội ngũ giảng viên, yêu cầu giảng viên không chỉ có năng lực tư duy lý luận, giỏi về chuyên môn sư phạm mà phải thành thạo trong vận dụng vào thực tiễn, trong lãnh đạo, chỉ huy để từ đó thực hiện chương trình, nội dung đào tạo cán bộ có hiệu quả, là tấm gương để học viên học tập noi theo. Đại tướng luôn quan tâm đến chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược; giáo trình, tài liệu nghiên cứu phải bám sát nhiệm vụ, xác định rõ đối tượng tác chiến và có phương pháp tác chiến, công tác tổ chức chuẩn bị, thực hành tác chiến phù hợp để học viên nghiên cứu, tiếp thu nhanh và vận dụng hiệu quả vào thực tiễn. Ngày 23/02/1990, Đại tướng đã giao nhiệm vụ cho Học viện Quân sự cấp cao cử cán bộ Học viện và 5 đồng chí giảng viên theo dõi diễn tập, cùng cơ quan Bộ Quốc phòng tổng kết rút kinh nghiệm biên soạn tài liệu chiến dịch phòng ngự quân khu.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Lê Đức Anh đã có những đóng góp quan trọng, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng đề ra chủ trương, đường lối, quyết sách đúng đắn góp phần đưa cách mạng nước ta giành thắng lợi to lớn trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và nhiệm vụ quốc tế; cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ  Tổ quốc. Với những đóng góp to lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng, lý luận và hoạt động thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục - đào tạo nói chung, công tác đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược nói riêng của Đại tướng Lê Đức Anh mãi mãi là những bài học quý báu cho chúng ta luôn trân trọng, tiếp tục kế thừa, phát triển cho hôm nay và mai sau để xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
 

Trung tướng, PGS.TS. TRẦN VIỆT KHOA