Quay lại

Đại tướng Lê Đức Anh với chủ trương điều chỉnh thế bố trí chiến lược trên địa bàn Quân khu 2 (1987-1992)

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, được thừa hưởng nền giáo dục của quê hương, dòng tộc và tiếp thu những giá trị nhân văn, tiến bộ, Đại tướng Lê Đức Anh sớm giác ngộ cách mạng, tự nguyện đi theo Đảng và trọn đời cống hiến, phục vụ cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hơn 80 năm rèn luyện, phấn đấu theo mục tiêu, lý tưởng của Đảng, dù ở đâu, trên cương vị nào, Đại tướng Lê Đức Anh cũng luôn mẫu mực về phẩm chất của người cán bộ cách mạng “tận trung với nước, tận hiếu với dân” và tấm gương sáng về đạo đức cách mạng.
 

Đối với lực lượng vũ trang Quân khu 2, đồng chí Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh luôn là tấm gương sáng về sự phấn đấu, học tập không ngừng; thường xuyên rèn luyện bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước cán bộ, chiến sĩ và trước cấp trên; luôn cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc và nhân dân lên trên hết, trước hết; luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó. Đặc biệt, giai đoạn 1987 - 1992, lực lượng vũ trang Quân khu 2 vinh dự được Đại tướng Lê Đức Anh trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo thực hiện những vấn đề mới, đột phá, mang tầm chiến lược về quốc phòng - an ninh quốc gia.

Thực tế, ngay sau khi đảm nhiệm chức vụ Tổng Tham mưu trưởng (đầu tháng 12/1986), bằng kinh nghiệm của vị tướng dày dạn trận mạc, với tư duy chiến lược và phong cách làm việc cẩn trọng, khách quan cùng tình cảm sâu nặng với bộ đội, việc đầu tiên của Đại tướng Lê Đức Anh là trực tiếp thị sát dọc vùng biên giới 6 tỉnh phía Bắc để nắm tình hình mọi mặt cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Với tác phong sâu sát, tỉ mỉ và sự cảm thông, thương yêu sâu sắc với bộ đội đang cầm súng chiến đấu trên chiến trường; đồng chí Lê Đức Anh đã vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, đến từng trận địa, ra tận chiến hào tuyến 1 để kiểm tra kế hoạch, phương án tác chiến, chiến đấu của các đơn vị; tận mắt kiểm tra từng hầm chiến đấu, nơi ăn, nghỉ của bộ đội và thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ.

Trực tiếp thị sát tình hình, thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ, tiếp xúc với cán bộ địa phương và nhân dân nơi biên giới, đồng chí Tổng Tham mưu trưởng đã nhanh chóng nắm bắt được những vấn đề cần phải giải quyết ngay. Trước hết, đối phương vẫn thường xuyên gây xung đột quân sự, trong khi ta còn nhiều thiếu sót trong công tác phòng ngự, phòng thủ khu vực, chưa phát huy được vai trò của lực lượng vũ trang địa phương và sức mạnh nền quốc phòng toàn dân nơi biên giới, lực lượng chủ lực thường trực trên biên giới quân số đông và bố trí sát đường biên; điều kiện ăn, ở, sinh hoạt bộ đội rất thiếu thốn, kham khổ, tinh thần chiến đấu căng thẳng, mệt mỏi; một số cán bộ, chiến sĩ biểu hiện bất mãn, tiêu cực, quan hệ cán -  binh có đơn vị chưa tốt...

Khi phát hiện vấn đề bức thiết đó, ngay tại một số chốt, điểm tựa chiến đấu, đồng chí Tổng Tham mưu trưởng đã quyết đoán, lệnh cho một số đơn vị lui về phía sau, không áp sát biên giới; rút toàn bộ đội hình Quân đoàn 29 chủ lực của Quân khu 2 về tuyến 2 phòng ngự, tổ chức huấn luyện bổ sung, chỉnh đốn lại lực lượng; đưa dân quân, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng lên tuyến 1. Đồng thời, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động nhân dân trở lại sinh sống ở khu vực biên giới và quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội.

 Đến cuối năm 1986, cùng với những kết quả, kinh nghiệm chiến đấu trong giai đoạn 1984 - 1986 của lực lượng vũ trang Quân khu, mặc dù mới chỉ bước đầu điều chỉnh lực lượng phòng ngự trên tuyến 1 theo mệnh lệnh của Đại tướng - Tổng Tham mưu trưởng, nhưng thế phòng thủ biên giới của Quân khu 2 đã có chiều sâu, vững chắc hơn. Sau khi Quân đoàn 29 lùi xuống phía sau, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên; các đơn vị được củng cố sức mạnh chiến đấu, nền nếp huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chấp hành kỷ luật có nhiều chuyển biến tích cực. Điều đó đã khẳng định, quyết định cho bộ đội chủ lực lùi xuống, không bám sát đường biên giới là hoàn toàn đúng đắn, mang tầm chiến lược, được xuất phát từ bản lĩnh, kinh nghiệm dày dạn, nhạy bén, kết hợp với nhãn quan chính trị sáng suốt của Đại tướng Lê Đức Anh, người chỉ huy quân đội tài ba.

Tiếp đó, nhằm sớm đạt mục tiêu đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội theo đường lối đổi mới của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12/1986); trên lĩnh vực quốc phòng, yêu cầu cấp thiết là phải tiến hành giảm quân số thường trực để giảm bớt gánh nặng của nền kinh tế đất nước đang khủng hoảng trầm trọng; đồng thời điều chỉnh lại thế bố trí chiến lược cho phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng tập thể Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng tập trung nghiên cứu, điều chỉnh tổ chức biên chế, bố trí chiến lược của quân đội cho phù hợp với kế hoạch phòng thủ trong thời kỳ mới. Đồng thời, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn sâu sắc để Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 02/NQ-TW ngày 30/7/1987 xác định nhiệm vụ quốc phòng đến năm 1990 và những năm tiếp theo. Từ đây, con đường đổi mới trong xây dựng Quân đội nhân dân, đổi mới công cuộc xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ quốc phòng và an ninh, kết hợp chặt chẽ công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc đã được xác lập.

Quán triệt sâu sắc nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Lê Đức Anh ra chỉ thị về thực hiện điều chỉnh, bố trí lại đội hình chiến lược, bảo đảm mục tiêu đánh lâu dài, giảm chi phí quốc phòng và phát huy được sức mạnh toàn dân, toàn diện, tạo nên sức mạnh phòng thủ đất nước, đủ sức mạnh chống lại mọi tình huống chiến tranh.

Thực hiện chỉ thị của Đại tướng, cuối tháng 7/1987, Đảng ủy Quân khu 2 ra Nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ điều chỉnh, bố trí lại đội hình và xác định: Điều chỉnh đội hình, tổ chức và xây dựng lại thế trận phòng ngự trên toàn tuyến biên giới của Quân khu, tập trung có trọng điểm, có chiều sâu... Tổ chức lại lực lượng, giải thể một số đơn vị, giảm lực lượng thường trực, tăng cường lực lượng dự bị động viên. Tiếp tục củng cố thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, gắn các khu vực phòng ngự với kế hoạch xây dựng tỉnh thành khu vực phòng thủ vững chắc theo tinh thần Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị.

Thực hiện Nghị quyết của Quân khu, trong giai đoạn 1987 - 1989, Quân khu 2 đã tiến hành điều chỉnh lực lượng trên toàn tuyến biên giới, chuyển từ thế bố trí phòng ngự chốt giữ các điểm cao thành thế trận phòng ngự khu vực; bộ đội địa phương chuyển từ phòng ngự dải phía trước thành phòng ngự điểm tựa, chốt giữ các điểm cao then chốt; tổ chức lần lượt cho các đơn vị cấp sư đoàn, trung đoàn vào thay phiên chiến đấu; qua đó, đã tạo điều kiện củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, gắn kết các khu vực phòng ngự với kế hoạch xây dựng tỉnh, huyện thành khu vực phòng thủ vững chắc theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-TW của Bộ Chính trị. Tiềm lực quốc phòng của các tỉnh ngày càng được củng cố và tăng cường, thế trận phòng thủ trên tuyến biên giới của Quân khu dần hoàn thiện theo hướng có chiều sâu. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các cuộc luyện tập, diễn tập bảo đảm sát yêu cầu, nhiệm vụ, chất lượng, hiệu quả; quan tâm nghiên cứu khoa học quân sự và ứng dụng vào hoạt động thực tiễn; tập trung đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhất là các công trình chiến đấu, công trình phòng thủ, thiết bị sở chỉ huy, hệ thống thao trường huấn luyện và xây dựng doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp.

Để đáp ứng yêu cầu chiến tranh trong giai đoạn 1979 - 1981, lực lượng chủ lực của Quân khu phát triển tới cấp quân đoàn (Quân đoàn 6, sau này đổi tên là Quân đoàn 29); có 9 sư đoàn chủ lực và 6 trung đoàn, lữ đoàn, 7 tiểu đoàn trực thuộc. Bộ đội địa phương, mỗi tỉnh có từ 1 đến 2 trung đoàn, các huyện biên giới đều có 1 - 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương. Lực lượng dân quân tự vệ chiếm 11,5% dân số (có thời điểm lên tới 13,5%); được biên chế thành 10 trung đoàn, 18 tiểu đoàn; 485 đại đội, 2.161 trung đội. Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-TW của Bộ Chính trị từ năm 1987, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều chỉnh tổ chức, biên chế kiện toàn, bố trí lại lực lượng phù hợp với từng giai đoạn, nhiệm vụ; bảo đảm cân đối giữa các lực lượng; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên đồng bộ, có chất lượng cao; ưu tiên quân số cho đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đơn vị ở địa bàn trọng điểm, khu vực biên giới. Đến đầu năm 1989, Quân khu đã giải thể được 53 đầu mối, giảm được 33,9% quân số lực lượng thường trực so với năm 1986. 

Mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang) là mặt trận nóng bỏng và ác liệt nhất cả nước từ sau tháng 3/1979. Thực hiện mệnh lệnh của đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Lê Đức Anh, từ đầu năm 1987, Quân khu tổ chức điều chỉnh lực lượng chủ lực làm nhiệm vụ phòng ngự trên tuyến 1 lùi về phía sau. Trong quá trình điều chỉnh, bố trí lại lực lượng, Quân khu luôn duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu và tổ chức cho các đơn vị luân phiên lên tuyến 1 trực chiến đấu và huấn luyện, rèn luyện thực tế. 

Đến tháng 6/1987, Quân khu tiếp tục chỉ đạo bộ chỉ huy quân sự các tỉnh điều chỉnh lực lượng, bố trí thế trận phòng ngự ở biên giới, chuyển từ thế bố trí phòng ngự chốt giữ các điểm cao trên toàn tuyến thành thế trận phòng thủ khu vực. Lực lượng vũ trang địa phương huyện chuyển từ phòng ngự dải phía trước thành phòng ngự điểm tựa chốt giữ các điểm cao then chốt được giao; đồng thời ổn định một bước về tổ chức, biên chế, trang bị...; đã tạo thành thế bố trí liên hoàn, rộng khắp, có trọng điểm vững chắc, tạo điều kiện để lực lượng vũ trang tỉnh dần đảm nhiệm nhiệm vụ tổ chức phòng ngự ở Vị Xuyên thay thế các đơn vị chủ lực.

Tiếp đó, trên cơ sở hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến và tổ chức lực lượng thời chiến, lực lượng vũ trang Quân khu tiếp tục từng bước chuyển từ trạng thái thời chiến sang thời bình để xây dựng lực lượng vũ trang có chất lượng tốt hơn, sẵn sàng chiến đấu cao hơn và phù hợp với thực tế... Đồng thời, phối hợp với các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương hoàn chỉnh kế hoạch xây dựng tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc và triển khai, củng cố các Đảng ủy quân sự tỉnh, thành phố, đưa hoạt động đi dần vào nền nếp. Chấn chỉnh, nâng cao chất lượng dân quân tự vệ, bộ đội địa phương, làm tốt công tác tổ chức quản lý, huấn luyện lực lượng dự bị động viên, đẩy mạnh nhiệm vụ lao động sản xuất và làm kinh tế của lực lượng vũ trang Quân khu.

Khi cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc kết thúc (tháng 3/1989), lực lượng vũ trang Quân khu tiếp tục đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, đánh trả bất cứ hành động xâm lược nào của kẻ thù. Mặt khác, tiếp tục điều chỉnh, bố trí lại đội hình, tổ chức xây dựng lại thế trận phòng thủ có trọng điểm, có chiều sâu trên toàn địa bàn chiến lược của Quân khu; kiên quyết giữ vững tình hình ổn định trên tuyến biên giới, bình tĩnh và kiềm chế trước những hành động khiêu khích của đối phương. Từng bước tổ chức lại lực lượng, rút gọn, giải thể một số đơn vị, giảm lực lượng thường trực, tăng cường lực lượng dự bị động viên, củng cố lực lượng dân quân tự vệ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc, gắn xây dựng khu vực phòng thủ then chốt với kế hoạch xây dựng tỉnh thành khu vực phòng thủ vững chắc theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-TW của Bộ Chính trị.

Đi đôi với việc chỉ đạo giảm quân số, giảm ngân sách quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh đã đề xuất với Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhiều giải pháp hiệu quả nhằm thực hiện tốt chính sách quân đội, hậu phương quân đội, nhất là cải thiện đời sống cho bộ đội tại ngũ, giải quyết việc làm và đời sống cho cán bộ, chiến sĩ được xuất ngũ trong các đợt giảm quân số. Đồng thời, Đại tướng có nhiều chỉ đạo quan trọng đối với vấn đề kết hợp kinh tế với quốc phòng và xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên địa bàn chiến lược cả nước nói chung và Quân khu 2 nói riêng. 

Nhờ thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Quân ủy Trung ương, đến năm 1992, lực lượng chủ lực của Quân khu đã rút gọn còn 3 sư đoàn và 6 trung đoàn, lữ đoàn. Cùng với đó, vị trí đóng quân của các đơn vị được điều chỉnh, bố trí lại và từng bước xây dựng cơ bản, chính quy, sở chỉ huy cơ bản Quân khu được chuyển về phía sau gần 100km... Khả năng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu và tiềm lực, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng - an ninh trên địa bàn Quân khu được nâng lên. Điều đó thêm khẳng định tư duy quân sự sắc sảo của Đại tướng Lê Đức Anh về điều chỉnh lại thế bố trí chiến lược: “Đây không phải là sự bố trí cơ học thuần túy vị trí đứng chân của từng đơn vị, mà phải dựa trên nền tảng tư duy mới, gắn với việc xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), để vừa chống được bạo loạn lật đổ trong nội địa, vừa chống được chiến tranh xâm lược từ ngoài vào” là hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới và phù hợp xu thế phát triển của thời đại.

Quá trình chấn chỉnh biên chế, tổ chức lực lượng Quân khu diễn ra từ năm 1987 đến năm 1992 theo chủ trương của Bộ là sự biến đổi về chất nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phù hợp với tình hình chung của toàn quân, đất nước. Theo đó khối chủ lực cơ động của Quân khu được tập trung theo hướng tinh, gọn; không ngừng được tăng cường, nâng cao sức mạnh về mọi mặt, từng bước xây dựng chính quy.

Những thành công trong điều chỉnh thế bố trí chiến lược cả nước và địa bàn Quân khu 2 nói riêng trong giai đoạn 1987 - 1991 đã khẳng định với bề dày kinh nghiệm cùng tư duy nhạy bén, nhãn quan chiến lược và tác phong sâu sát, trong thời gian giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh là người trực tiếp đề xuất và luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát, toàn diện quá trình chuẩn bị và triển khai kế hoạch điều chỉnh thế bố trí chiến lược phòng thủ đất nước trong tình hình mới, thực hiện cắt giảm lực lượng vũ trang để phù hợp với hoàn cảnh kinh tế đất nước, nhưng vẫn bảo đảm sức mạnh hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; từng bước xây dựng quân đội tinh, gọn, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu cao. Điều đó một lần nữa nói lên phẩm chất, tài năng, tầm nhìn xa trông rộng trong lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo của Đại tướng Lê Đức Anh.

Năm tháng qua đi, nhưng những lý luận, quan điểm về quân sự - quốc phòng, nghệ thuật quân sự, chiến lược quân sự, nhất là nghệ thuật bố trí thế trận, sử dụng lực lượng và xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại của đồng chí Lê Đức Anh vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đại tướng Lê Đức Anh về quân sự - quốc phòng nói chung và thế bố trí chiến lược, xây dựng lực lượng vũ trang, kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng và xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, đã và đang được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 tiếp tục thực hiện và vận dụng sáng tạo, bảo đảm lực lượng vũ trang Quân khu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

Thiếu tướng PHẠM HỒNG CHƯƠNG