Quay lại

Đại tướng Lê Đức Anh với chiến trường Biên Hòa

Ngày 22-4 vừa qua, Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ trần, thọ 99 tuổi.  Ông là một trong số ít người có sự nghiệp gắn liền với nhiều thời kỳ cách mạng, từ tiền khởi nghĩa đến Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng đất nước sau thống nhất.

Báo Đồng Nai xin ghi lại một số câu chuyện về Đại tướng với chiến trường Biên Hòa trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong lần thăm Đại tá Trần Công An (Hai Cà), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó tư lệnh Mặt trận Biên Hòa trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Cố Đại tá Trần Công An (Hai Cà), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó tư lệnh Mặt trận Biên Hòa trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là người rất gần gũi với Đại tướng Lê Đức Anh trong quá trình hoạt động cách mạng, chiến đấu ở chiến trường Nam bộ qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Khi ông còn khỏe, tôi may mắn nhiều lần nghe ông kể về dấu ấn đối với đồng chí Lê Đức Anh từ khi ở chiến trường cho tới khi ông là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mấy lần đi công tác, ghé thăm ông tại nhà riêng trên tình cảm bạn bè, đồng chí.

Ông Trần Công An từng kể với tôi rằng vào tháng 12-1967, Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ trọng đại, cấp bách cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam nhằm giành thắng lợi chiến lược mới.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương Cục và Quân ủy Miền bố trí lại chiến trường, giải thể Khu miền Đông, lập 6 phân khu, hình thành những mũi tiến công vào Sài Gòn, đầu não của Mỹ  ngụy, một trọng điểm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968.

Khi chuẩn bị vào đợt, U1 (bí danh chiến trường Biên Hòa) được Miền xác định là địa bàn chiến lược quan trọng. Ngày 20-12-1967, đồng chí Lê Đức Anh, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Miền xuống triệu tập hội nghị triển khai kế hoạch tại Bàu Sao (Bắc yếu khu Trảng Bom). Những người tham dự gồm: Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5, Tỉnh ủy U1, Thị ủy Biên Hòa, các Huyện ủy Vĩnh Cửu và Trảng Bom.

Kế hoạch tiến công và các mục tiêu được bàn bạc thống nhất cụ thể: Sân bay Biên Hòa, Tổng kho Long Bình, Bộ Tư lệnh dã chiến 2 của Mỹ, sở chỉ huy quân đoàn 3 ngụy, Dinh tỉnh trưởng, nha đặc cảnh miền Đông, Ty cảnh sát Biên Hòa, chi khu Công Thanh, yếu khu Trảng Bom. Ở các xã, ấp, cán bộ, du kích và cơ sở phát động nhân dân nổi dậy diệt ác phá kềm giành quyền làm chủ địa phương. Lực lượng ta tham chiến trên địa bàn U1 gồm: Sư đoàn 5 (thiếu 1 trung đoàn nhưng được tăng cường 1 tiểu đoàn pháo ĐKB của Miền), 2 tiểu đoàn đặc công, đội biệt động U1, 2 trung đội bộ đội địa phương huyện Vĩnh Cửu và Trảng Bom, mỗi xã có 1 tiểu đội du kích, ngoài ra còn khoảng 300 cơ sở mật nòng cốt ở các ô, ấp của TP.Biên Hòa. So sánh tương quan lực lượng ta - địch là 1/10.

Phổ biến xong Chỉ thị của Trung ương, đồng chí Lê Đức Anh chỉ định Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận gồm: Anh Trần Minh Tâm, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 là Chỉ huy trưởng, tôi (Hai Cà) Chỉ huy phó, anh Sáu An (Lê Xuân Lựu) là Chính ủy Sư đoàn 5 làm Bí thư Đảng ủy, anh Năm Trang (Phan Văn Trang) Bí thư U1 làm Phó bí thư Đảng ủy kiêm Phó chính ủy, anh Hai Dũng là Phó chính ủy Sư đoàn 5 làm Phó chính ủy. 2 anh Sáu An và Đặng Ngọc Sĩ (Tham mưu trưởng Sư đoàn 5) được phân công trực tại Sở Chỉ huy cơ bản.

...Tháng 3-1968, Trung ương Cục tổ chức hội nghị kiểm điểm đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân. Đồng chí Lê Đức Anh ngoài những nhận xét chung còn đánh giá riêng về Mặt trận Biên Hòa đại ý: Đánh hậu cứ Biên Hòa có tác động toàn miền Nam, làm Mỹ ngụy hoang mang đến mức nhiều công chức 17 ngày sau mới trở lại nhiệm sở, nhiều lính về ăn Tết với gia đình đã trốn không về đơn vị. Kết quả là Biên Hòa góp phần chia lửa với toàn Miền, địch ở trong hang ổ cũng khiếp sợ...

Thời gian đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, song giờ nhắc lại sự kiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, dấu ấn đồng chí Lê Đức Anh - một cán bộ chỉ huy, lãnh đạo cao cấp của Bộ Chỉ huy quân sự Miền vẫn còn in đậm sâu sắc trong lịch sử, truyền thống một thời hào hùng của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai trên bước đường xây dựng và phát triển.
 

Nguyễn Quốc Hoàn
Nguyên cán bộ Đoàn Đặc công 113