Quay lại

Đại tướng Lê Đức Anh với chiến lược củng cố, phòng thủ biển, đảo (1987 - 1988)

Năm 1987, tình hình khu vực quần đảo Trường Sa xuất hiện những diễn biến phức tạp. Nước ngoài thường xuyên cho các tàu khảo sát đo đạc biển, tàu thăm dò dầu khí, tàu quân sự, tàu đánh cá, tàu vận tải đến hoạt động, tranh chấp ngư trường.
 

Trước âm mưu và hành động xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng chủ trương phát huy cao nhất mọi lực lượng của cả nước để xây dựng củng cố trận địa, hệ thống phòng thủ trên các đảo, bổ sung vật chất, vũ khí, trang bị cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo.

Với tầm nhìn của một vị tướng dày dạn kinh nghiệm, từ cuối tháng 02/1987, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh một mặt chỉ đạo Quân chủng Hải quân đưa lực lượng ra đóng giữ các bãi đá ngầm, mặt khác trình lên Trung ương chủ trương và kế hoạch giữ đảo. Kế hoạch được Ban Bí thư Trung ương phê chuẩn ngày 20/3/1987. Ngay lập tức, ông xuống Hải Phòng và chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân: “Phải thấy hết vị trí chiến lược của Biển Đông. Trước tiên, phải lo phòng thủ quần đảo Trường Sa, nơi có thể xảy ra xung đột. Ta phải hành động kiên quyết để bảo vệ các đảo nổi và đảo chìm. Các đồng chí suy nghĩ mọi cách để xây dựng hải quân hùng mạnh”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng còn chỉ thị cho Quân chủng Hải quân tăng cường lực lượng ra củng cố, xây dựng thế trận phòng thủ, quyết tâm giữ vững các đảo; đưa lực lượng đóng giữ một số bãi đá ngầm trong khu vực quần đảo Trường Sa. Ngay sau đó, Quân chủng Hải quân khẩn trương xây dựng, triển khai kế hoạch bảo vệ quần đảo Trường Sa trong 3 năm (1988 - 1990). Để ngăn chặn âm mưu xâm lấn của thế lực bên ngoài đối với các đảo phía Tây và chiếm đóng xen kẽ vào các cụm đảo do ta đang đóng giữ, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã đề ra kế hoạch triển khai lực lượng đóng giữ trên các bãi cạn, đá ngầm.

Từ ngày 16/5 đến tháng 10/1987, Hải quân Trung Quốc liên tục diễn tập quân sự tại vùng nam Biển Đông. Trên cơ sở kế hoạch đóng giữ các bãi đá ngầm tại Trường Sa do Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị đã được đồng chí Đỗ Mười, Thường trực Ban Bí thư phê duyệt, ngày 06/11/1987, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh phê chuẩn kế hoạch tác chiến và ban hành Mệnh lệnh số 1679/ML-QP, ra lệnh cho các quân chủng: Hải quân, Không quân, Phòng không và Binh chủng Thông tin liên lạc tăng cường phối hợp bảo vệ quần đảo Trường Sa, trong đó xác định: giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đưa ngay lực lượng ra giữ các bãi cạn, không chờ xin chỉ thị của cấp trên, trước mắt đưa ngay lực lượng ra đóng giữ các đảo: Đá Tây, Chữ Thập, Đá Lớn, Tiên Nữ;... Tư lệnh Vùng 4 Hải quân chịu trách nhiệm trực tiếp bảo vệ quần đảo Trường Sa.

Thực hiện Mệnh lệnh số 1679/ML-QP, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân ra mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu đối với lực lượng bảo vệ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa; chỉ thị cho các đơn vị chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng cơ động chiến đấu, cơ động ra xây dựng các công trình phòng thủ trên các bãi đá. Tư lệnh vùng 4 Hải quân triển khai kế hoạch đưa lực lượng ra đóng giữ Đá Tây, Chữ Thập. Tuy nhiên, do thời tiết trên biển lúc này gió to, sóng lớn làm cho các con tàu vận tải nhỏ của Hải quân bị đứt neo phải trở về căn cứ.

Ngày 30/11/1987, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết số 06/NQ-TW về đấu tranh bảo vệ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nghị quyết xác định nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền hai quần đảo, trước mắt bảo vệ quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ khẩn trương, quyết liệt, lâu dài; là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra chỉ thị, giao nhiệm vụ cho Quân chủng Hải quân phải tăng cường khả năng bảo vệ quần đảo Trường Sa, nhanh chóng đưa lực lượng ra đóng giữ các bãi đá chưa có người trong khu vực quần đảo Trường Sa. Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ: Nếu kẻ địch xâm phạm đảo hoặc dùng vũ lực uy hiếp thì được đánh trả và luôn cảnh giác, tỉnh táo không bị địch khiêu khích.

Tháng 01/1988, Trung Quốc đưa một lực lượng lớn tàu chiến, trong đó có tàu khu trục và tàu tên lửa từ đảo Hải Nam xuống quần đảo Trường Sa chiếm đóng đảo Chữ Thập; khiêu khích, khống chế, không cho các tàu thuyền Việt Nam đang tiến hành hoạt động tiếp tế giữa các đảo hoạt động. Ngày 13/02, khi làm việc với Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Đại tướng đã phê phán nghiêm khắc việc để mất đảo Chữ Thập và giao cho Tư lệnh Quân chủng kiêm nhiệm Tư lệnh Vùng 4 Hải quân bằng mọi giá phải giữ vững chủ quyền của Việt Nam. Ta nhận định, sau khi chiếm đảo Chữ Thập, Trung Quốc sẽ mở rộng phạm vi chiếm đóng sang các đảo Châu Viên, Đá Đông, Đá Nam, Tốc Tan và đóng xen kẽ những bãi đá ta đang đóng giữ. Trước tình hình đó, ngày 19/02/1988, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh ký Công văn số 207/QP gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, báo cáo việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự trên quần đảo Trường Sa, cản trở hoạt động của hải quân; tranh chấp chủ quyền với ta. Trên cơ sở báo cáo đó, Bộ trưởng đề nghị: Tăng cường 4 tàu vận tải biển loại trên 1.000 tấn phối thuộc cho Bộ Quốc phòng (trực tiếp là Bộ Tư lệnh Hải quân); tiến hành đấu tranh ngoại giao và tranh thủ dư luận trong nước và thế giới. Cùng với đó, Quân chủng Hải quân có Công văn số 594 đề nghị Bộ Quốc phòng cho tổ chức thêm 7 khung để đóng giữ trên 7 đảo; đề nghị tăng cường cả quân số và vũ khí, khí tài bảo đảm bảo vệ các đảo tại quần đảo Trường Sa. Đồng thời, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân chủ trương nhanh chóng đưa lực lượng đóng giữ đảo Đá Lát, Đá Lớn. Đến đầu tháng 3/1988, lực lượng Hải quân ta đã triển khai xây dựng xong thế trận phòng thủ trên các đảo Đá Lát, Đá Đông, Tốc Tan, Tiên Nữ và Đá Lớn, đưa tổng số đảo đóng giữ của ta lên 16, trong đó gồm 9 đảo nổi,7 đảo chìm.

Sau khi chiếm đóng trái phép các đảo Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven, Xu Bi của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục chuẩn bị thực hiện mưu đồ chiếm đóng 3 đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc cụm đảo Sinh Tồn. Đầu tháng 3/1988, Trung Quốc huy động hai hạm đội tàu chiến, trong đó có tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ... xuống khu vực Trường Sa. Trước tình hình đó, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân điều các Tàu HQ605 đến đóng giữ đảo Len Đao, Tàu HQ604 và HQ505 cùng hai phân đội công binh (70 người), 4 tổ chiến đấu (22 người) tiến về Gạc Ma, Cô Lin, khẩn trương chuyển vật liệu, làm nhà, cắm cờ Tổ quốc và triển khai 4 tổ bảo vệ đảo ngay trong đêm 13/3/1988.

Sáng ngày 14/3/1988, Hải quân Trung Quốc đổ bộ lên đảo Gạc Ma, uy hiếp, giật cờ của ta. Trước ý chí đấu tranh kiên cường của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, quân Trung Quốc buộc phải rút khỏi đảo. Sau đó, chúng dùng pháo 100mm bắn vào 3 tàu vận tải của ta đang làm nhiệm vụ ở đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã chấp hành nghiêm chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chiến đấu dũng cảm, xiết chặt hàng ngũ, giữ vững lá cờ Tổ quốc biểu tượng chủ quyền của Việt Nam trên đảo Gạc Ma đến giây phút cuối cùng. Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã mưu trí, dũng cảm chỉ huy tàu HQ505 lao lên ủi bãi, bảo vệ được đảo
Cô Lin. Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó, 64 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh; 3 tàu vận tải bị địch bắn chìm, bắn cháy.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông báo sự kiện trên cho Liên hợp quốc và nhiều lần gửi công hàm phản đối Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam; đề nghị hai bên chấm dứt các hoạt động quân sự, tiến hành thương lượng, giải quyết. Tuy nhiên, Trung Quốc khước từ thương lượng, tiếp tục chiếm giữ trái phép các bãi đá đã chiếm. Ngày 14/4/1988, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phản đối việc Quốc hội Trung Quốc sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào tỉnh Hải Nam. Cùng thời gian này, Bộ Ngoại giao nước ta công bố Sách trắng khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo luật pháp quốc tế.

Ngay sau đó, Đại tướng Lê Đức Anh đã có chuyến thị sát động viên cán bộ, chiến sĩ trên các đảo của quần đảo Trường Sa. Tại đây, ông chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức Lễ kỷ niệm ngày truyền thống của Quân chủng (07/5/1988) ngay tại đảo. Bên cột mốc có dòng chữ khẳng định chủ quyền lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đại tướng Lê Đức Anh nhấn mạnh: “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự thật trên thực tế, phù hợp với pháp lý quốc tế, với đạo lý quốc tế... Hôm nay, giữa trời cao, biển rộng bao la, trước anh linh tổ tiên và các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: “Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta!”.

Đi tận nơi, chứng kiến tận mắt và trải nghiệm những khó khăn, gian khổ của các chiến sĩ, trở về từ Trường Sa, Đại tướng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng triển khai và ký ban hành những văn bản thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Ngày 20/7/1988, Bộ trưởng Lê Đức Anh ra Mệnh lệnh số 225/ML-QP về bảo vệ khu vực các công trình dầu khí ở thềm lục địa phía Nam. Theo đó, ra lệnh cho các đơn vị: Quân khu 7, các quân chủng: Hải quân, Không quân, Phòng không có nhiệm vụ bảo vệ khu vực các công trình dầu khí ở thềm lục địa phía Nam, yêu cầu các đơn vị nói trên phải xây dựng các phương án, hiệp đồng chặt chẽ, tổ chức lực lượng bảo vệ chu đáo, bảo đảm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động trinh sát, phá hoại của địch từ ngoài vào mục tiêu bảo vệ.

Ngày 22/7/1988, Tổng Tham mưu trưởng - Thượng tướng Đoàn Khuê ra Mệnh lệnh số 20/ML-TM giao nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa cho Binh chủng Đặc công và Quân chủng Hải quân, yêu cầu nghiên cứu kỹ chiến trường, xác định cách đánh có hiệu quả, tổ chức huấn luyện, sử dụng lực lượng đặc công, hải quân kiên quyết bảo vệ vùng biển và quần đảo Trường Sa.

Ngày 19/11/1988, Đảng ủy Quân sự Trung ương ra Nghị quyết số 253/NQ-ĐUQSTW về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa, khu vực biển và thềm lục địa phía Nam. Theo đó, ngày 29/3/1989, Đại tướng đã ký và ban  hành Mệnh lệnh số 167/ML-QP về đóng giữ bảo vệ khu vực thềm lục địa, bãi đá ngầm ở Trường Sa. Ông chỉ đạo Quân chủng Hải quân khẩn trương xây dựng lại và xây mới nhà giàn nổi tại các đảo chìm, đồng thời chỉ đạo các quân chủng, binh chủng xây dựng kế hoạch tổ chức diễn tập thực binh chi viện đảo, nhà giàn và hoàn chỉnh các phương án phòng thủ biển, đảo.

Sau khi chiếm Gạc Ma, Trung Quốc cho tàu thăm dò và có mưu đồ chiếm vùng thềm lục địa phía tây nam của nước ta. Cùng với đấu tranh pháp lý, phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc, ta tăng cường lực lượng, trang bị vũ khí, phương tiện để tổ chức củng cố hệ thống phòng thủ bảo vệ quần đảo Trường Sa, đồng thời xây dựng nhà ở cho bộ đội. Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ký Văn bản số 19/NQ-TƯ về việc bảo vệ khu vực Cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ (DK1), thực hiện chủ trương và sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đại tướng Lê Đức Anh giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân khẩn trương khảo sát, triển khai xây dựng Cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ (DK1) phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Thực hiện chỉ đạo của Đại tướng Lê Đức Anh, các lực lượng đã khảo sát đo đạc trên vùng biển rộng, tìm ra 6 bãi đá ngầm, san hô. Từ những dữ liệu đó, hệ thống nhà dàn DK1 được xây dựng. Từ năm 1989 đến 1998, Quân chủng Hải quân đã phối hợp với các lực lượng xây dựng được 19 nhà giàn. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và sự chỉ đạo của Đại tướng Lê Đức Anh, Quân chủng Hải quân đã nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến đấu kiên cường, đóng giữ thêm 11 bãi đá ngầm (đóng quân 19 điểm) nâng tổng số đảo, bãi đá ngầm do hải quân đóng giữ lên 21 (32 điểm đóng quân), ngăn chặn hành động mở rộng lấn chiếm của đối phương, tạo thế đứng vững chắc của ta trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Trong những năm này, chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Lê Đức Anh, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật tiến hành bảo đảm một số lượng lớn các loại vật chất hậu cần, vũ khí, trang bị, kỹ thuật cho quần đảo Trường Sa. Quân chủng Hải quân củng cố xây dựng và phát triển căn cứ hậu cần - kỹ thuật Cam Ranh.

Tổng cục Hậu cần đề nghị và được Bộ Quốc phòng chuẩn y bằng Thông tư số 1424/QP ngày 24/9/1987 về điều chỉnh lại chế độ định lượng ăn của Bộ đội Hải quân. Chỉ đạo các đơn vị trên đảo tích cực đẩy mạnh chăn nuôi, đánh bắt hải sản nên bữa ăn được cải thiện rõ rệt. Việc bảo đảm quân trang cũng được quan tâm: “Phải ưu tiên đối với lực lượng chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu... ở đảo xa”.

Tr­ước những diễn biến mới của tình hình và yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Bộ Tổng Tham mư­u, Tổng cục Kỹ thuật liên tục điều chuyển, bổ sung khối lượng lớn vũ khí trang bị kỹ thuật cho các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tổ chức lại hệ thống chỉ huy tác chiến cho phù hợp với điều kiện trang bị vũ khí, đạn dược mới.

Đầu năm 1988, trước những diễn biến hết sức phức tạp tại Trường Sa, Quân chủng Hải quân thực hiện chủ trương của Bộ Quốc phòng tổ chức thực hiện Chiến dịch CQ-88 (Kế hoạch CQ-88), đồng thời xác định: Đây là nhiệm vụ trung tâm, đột xuất, cần lực lượng nào, điều lực lượng ấy vào phục vụ chiến dịch.

Bước vào chiến dịch, ngành Hậu cần - Kỹ thuật của Quân chủng đã sử dụng lực lượng vật chất dự trữ để tiến hành công tác bảo đảm; đồng thời triển khai tiếp nhận vật chất, phương tiện của cấp trên, khai thác nguồn vật chất của các cơ quan nhà nước, địa phương, các đơn vị quân đội được huy động cho chiến dịch. Kết quả, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm cho Chiến dịch CQ-88: vận chuyển hơn 1.000 khẩu súng, hơn 200 khẩu pháo cùng hàng triệu viên đạn và các loại vật tư, trang bị kỹ thuật[285]; tổ chức thi công và củng cố 12 bể xăng, dầu dã chiến; cấp phát 721,7 tấn gạo bảo quản bởi 3 lớp túi, 480,7 tấn gạo thường, 22,3 tấn lương khô, 16,6 tấn mì tôm và 14,6 tấn gạo sấy; bảo đảm đủ và vượt chỉ tiêu cả thuốc men và trang bị.

Trước tình hình nhiệm vụ xây dựng phòng thủ đảo ngày càng cấp bách, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định huy động một lực lượng lớn vật chất, phương tiện chi viện xây dựng,
củng cố quần đảo Trường Sa. Trong Chiến dịch CQ-88, có 82 tàu vận tải các loại của Quân chủng Hải quân, Nhà nước và các địa phương, thực hiện 157 chuyến, chở 41.550 tấn hàng hoá, vũ khí trang bị và hơn 3.000 lượt người cho quần đảo Trường Sa. Khối lượng vận chuyển tăng gấp 6 lần năm 1987 và gấp 10 lần các năm trước.

Cùng với đó, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần ra Chỉ thị số 802/HC-12 xác định: “Tập trung xây dựng trước tiên các hướng chủ yếu, trục chủ yếu, khu vực trọng yếu ở tuyến phòng ngự cơ bản; tập trung nỗ lực cao nhất cho quần đảo Trường Sa”. Đặc biệt là đầu tư xây dựng căn cứ Cam Ranh thành căn cứ liên hợp quân sự mạnh phục vụ nhiệm vụ chiến lược bảo vệ biển, đảo. Tại căn cứ có các cơ sở trang bị dây chuyền công nghệ hiện đại, hệ thống kho dự trữ khối lượng lớn các loại vật chất hậu cần, vật tư kỹ thuật, vũ khí, khí tài, đạn dược sẵn sàng cấp phát, vận chuyển cho lực lượng chiến đấu tại quần đảo Trường Sa trong mọi tình huống.

Hiện nay, quân và dân ta chủ trương kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Để thực hiện thắng lợi chủ trương này, cần vận dụng sáng tạo tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo của Đại tướng Lê Đức Anh trong tình hình mới, tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, kiên trì đấu tranh giải quyết tranh chấp biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

 Là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam luôn tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, kiên trì con đường giải quyết các vấn đề phát sinh bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng luật pháp quốc tế; trong đó, biện pháp chủ yếu là thông qua đàm phán, thương lượng, nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan. Trong khi kiên trì phấn đấu tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài, chúng ta yêu cầu các bên liên quan kiềm chế, không có hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, tuân thủ cam kết giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Đồng thời, cùng nhau nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) để Biển Đông thực sự là vùng biển hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển. Trong khi nỗ lực xử lý các vấn đề nảy sinh bằng biện pháp hòa bình, cần kiên trì đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, song tránh gây phương hại cho việc giữ vững môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển; không để các thế lực phản động lợi dụng chống phá, xuyên tạc, chia rẽ quan hệ giữa nước ta và các nước liên quan.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển, đảo đến mỗi người dân.

Công tác tuyên truyền về biển, đảo cần có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương. Nội dung tuyên truyền, giáo dục cần tập trung làm rõ các quan điểm, chủ trương của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Chiến lược biển Việt Nam. Trên cơ sở chứng cứ lịch sử, chúng ta tiếp tục khẳng định mạnh mẽ ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Mặt khác, cần tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết đấu tranh với các hành động vi phạm chủ quyền, lãnh thổ. Các cấp, các ngành cần tập trung nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về pháp luật, chủ quyền vùng biển Việt Nam. Cùng với đó, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho lực lượng vũ trang, nhất là những lực lượng thực thi pháp luật, quản lý, bảo vệ biển, đảo. Trong đó, chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ ý thức trách nhiệm, tình yêu quê hương, biển, đảo.

Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, cần kết hợp công tác tuyên truyền về biển, đảo với công tác giáo dục pháp luật, làm cho ngư dân hiểu rõ các quy định trong pháp luật nước ta và pháp luật quốc tế về biển. Cần sớm đưa các nội dung về chủ quyền biên giới và lãnh thổ, biển, đảo vào giảng dạy ở các cấp phổ thông và đại học. Các cơ sở nghiên cứu cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về Biển Đông, chú trọng các đề tài khẳng định vững chắc chủ quyền biển, đảo, cả về mặt pháp lý, cơ sở lịch sử và truyền thống giữ biển của dân tộc.

 Ba là, tập trung nỗ lực xây dựng các lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biển, đảo vững mạnh.

Trong bối cảnh hiện nay, việc tập trung nỗ lực xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo và các hoạt động kinh tế biển là một yêu cầu hết sức cấp thiết. Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng chuyên trách hoạt động trên biển - giữ vai trò nòng cốt và gánh vác trách nhiệm nặng nề trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các vùng biển, đảo của Tổ quốc, cần tiếp tục được ưu tiên đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại. Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách quản lý, duy trì thực thi pháp luật trên các vùng biển của Tổ quốc cần được tiếp tục củng cố, hoàn thiện về tổ chức biên chế, tăng cường trang bị hiện đại, bảo đảm đủ sức hoàn thành nhiệm vụ. Lực lượng Bộ đội Biên phòng cần được đầu tư bảo đảm đủ trang bị, kỹ thuật, phương tiện khí tài, phương tiện cơ động..., đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, cứu hộ, cứu nạn, chống buôn lậu và các tệ nạn xã hội trên vùng biển được phân công. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, ở đâu có tàu, thuyền hoạt động trên biển, có dân định cư ở ven biển và trên đảo, ở đó có dân quân tự vệ. Nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm ngư với các đội tàu được trang bị hiện đại từ cấp Trung ương đến các vùng, các chi cục thuộc các tỉnh (thành phố) ven biển. Đây là lực lượng kiểm soát dân sự của Việt Nam, có đầy đủ thẩm quyền để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm của tàu cá nước ngoài; hỗ trợ ngư dân, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền quốc gia ở các vùng biển, đảo.

Từ bao đời nay, tiếp nối liên tục qua rất nhiều thế hệ, ông cha ta đã đổ biết bao công sức, máu xương để giữ gìn, bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày nay, biển, đảo Việt Nam - bộ phận của quốc gia - dân tộc được ổn định và giữ vững trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Thành tựu ấy xuất phát từ truyền thống yêu nước của tổ tiên, từ đường lối đúng đắn của Đảng, từ sức lực của toàn dân, từ sự can trường hy sinh to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân. Trong thành tựu ấy còn có một phần đóng góp từ tầm nhìn và sự chỉ đạo đúng đắn, đầy trách nhiệm của Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong những năm 1987 - 1988.

Đại tá, PGS.TS. DƯƠNG HỒNG ANH