Quay lại

Đại tướng Lê Đức Anh với chiến lược bảo vệ vùng trời Tổ quốc

Đại tướng Lê Đức Anh là một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước xuất sắc, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một vị tướng tài ba, luôn đổi mới, quyết đoán, nhanh nhạy, bám sát thực tiễn, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Đồng chí đã được tôi luyện, trưởng thành qua các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế, giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.
 

Trong cuộc sống, đồng chí sống trung thực, giản dị, tiết kiệm, gần gũi, sâu sắc, nhân văn, được đồng chí, đồng đội và nhân dân yêu mến, bạn bè quốc tế đánh giá cao. Đồng chí là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống. Về quân sự, Đại tướng Lê Đức Anh là một vị tướng trận mạc, một nhà chỉ huy xuất sắc, có tầm nhìn chiến lược. Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng gắn với nhiều chiến trường từ Nam ra Bắc và trên chiến trường nước bạn. Một trong những đóng góp to lớn đó của Đại tướng là chiến lược bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc trong các giai đoạn của cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí đã vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm chiến tranh nhân dân của Đảng vào điều kiện cụ thể, trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch, trận đánh thắng lợi, tiêu diệt một lực lượng lớn binh lực của quân đội viễn chinh Pháp trên chiến trường ba nước Đông Dương, đồng thời, chỉ đạo xây dựng lực lượng phòng không Nam Bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo phương châm “dựa vào dân mà chiến đấu” góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sau Hiệp định Giơnevơ, trên các cương vị lãnh đạo, chỉ huy ở Cục Tác chiến, Cục Quân lực và tiếp đó là Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, với kinh nghiệm trận mạc, đồng chí đã cùng với các cơ quan Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo xây dựng các lực lượng phòng không, không quân không ngừng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vùng trời của Tổ quốc, đánh thắng chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân chủng Phòng không - Không quân từ một Trung đoàn phòng không 367 đã phát triển lên 12 trung đoàn pháo phòng không, 2 trung đoàn không quân, 3 trung đoàn ra đa, 1 Trung đoàn tên lửa. Cùng với đó là lực lượng phòng không của các quân khu, binh đoàn, binh chủng hợp thành cũng có bước phát triển mới về trang bị, lực lượng tương đối hiện đại được huấn luyện cơ bản; các lực lượng phòng không địa phương cũng hình thành tại một số khu vực triển khai chiến đấu tạo lên thế trận phòng không rộng khắp đủ khả năng bảo vệ vững chắc vùng trời miền Bắc.

Năm 1975, đồng chí đã cùng với Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo lực lượng phòng không - không quân tham gia nhiều chiến dịch. Trong các chiến dịch đó, lực lượng phòng không của ta đã vận dụng linh hoạt cách đánh tập trung, phân tán giữa lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động của phòng không, giữa lực lượng phòng không của Quân chủng Phòng không - Không quân với lực lượng phòng không ba thứ quân tổ chức đánh trả khi địch sử dụng lực lượng không quân phản công đánh vào đội hình tiến công của ta.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, với vai trò là Tư lệnh chiến trường, đồng chí đã tổ chức sử dụng lực lượng phòng không - không quân một cách hợp lý và chỉ đạo hoạt động tác chiến một cách toàn diện đồng bộ vừa làm nhiệm vụ tác chiến phòng không bảo vệ vùng trời Tổ quốc khu vực miền Nam, vừa sử dụng lực lượng không quân tiến hành các hoạt động tác chiến tiến công đường không, tiến hành chi viện hỏa lực không quân cho binh chủng hợp thành trong phòng ngự phản công, tiến công, trên các hướng chiến lược; đồng thời, vừa thực hiện tổ chức lực lượng không quân đánh trả những hành động gây chiến của địch, cũng như phối hợp chặt chẽ với lực lượng binh chủng hợp thành của bạn đánh đổ hoàn toàn chế độ độc tài
Pôn Pốt, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giải cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

Trong giai đoạn đất nước đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trên cương vị là người đứng đầu của Bộ Quốc phòng, đồng chí đã cùng với Đảng ủy Quân sự Trung ương và tập thể lãnh đạo Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng và Nhà nước nhiều quyết sách quan trọng đối với nền quốc phòng toàn dân và xây dựng quân đội. Việc giảm quân số thường trực và điều chỉnh thế bố trí chiến lược là một trong những sự kiện lớn của quân đội ta trong những năm 1987 - 1990, trong đó có sự đóng góp to lớn của đồng chí Lê Đức Anh. Nhờ sự điều chỉnh hợp lý, chúng ta đã tạo ra một thế trận phòng thủ quốc gia mới, phù hợp với tư duy nghệ thuật quân sự hiện đại và xu thế phát triển về kinh tế, xã hội, đối ngoại của đất nước, đặt tiền đề cho tiến trình phá bỏ thế cấm vận của Mỹ. Thực hiện điều chuyển từng cơ quan của Bộ Quốc phòng, của các quân khu, quân chủng, đồng thời, bố trí lại thế trận tác chiến, trong đó có xây dựng thế trận phòng không - không quân vững chắc, linh hoạt, lực lượng phòng không quốc gia và lực lượng hải quân, phòng thủ bờ biển để bảo vệ vùng trời, vùng biển, hải đảo Tổ quốc, nhất là khu vực quần đảo Trường Sa.

Trên cơ sở chiến lược quân sự của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và sự chỉ đạo của Đại tướng Lê Đức Anh, năm 1987, lực lượng phòng không - không quân đã có sự thay đổi lớn về tổ chức lực lượng và bố trí đội hình chiến đấu. Theo đó, các trung đoàn ra đa về trực thuộc các sư đoàn phòng không, giải thể, rút gọn các trường hạ sĩ quan, sáp nhập các trường sĩ quan theo hướng tinh gọn các đầu mối; các đơn vị pháo phòng không, tên lửa trên biên giới phía Bắc thuộc các Quân khu 1, 2, 3 được rút về tuyến sau. Đại bộ phận lực lượng phòng không của các Quân khu 5, 7, 9, Quân đoàn 4 ở Campuchia và lực lượng phòng không Quân khu 4, Mặt trận 379 ở Bắc Lào rút về nước. Quân chủng Không quân đã tổ chức cơ động Sư đoàn không quân 372 về Đà Nẵng, Sư đoàn không quân 370 từ Đà Nẵng vào Phan Rang. Với sự điều chỉnh đó, chúng ta đã tạo được một thế trận phòng không liên hoàn đánh địch rộng khắp để bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc trước mọi nguy cơ tiến công hay đột nhập đường không của kẻ thù từ mọi hướng.

Có thể nói, trong thời kỳ này, Đại tướng Lê Đức Anh đã dành nhiều tình cảm sâu sắc và sự quan tâm đặc biệt đối với lực lượng phòng không - không quân. Ngay sau khi giữ trọng trách là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng đã đến thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh và các cơ quan của Quân chủng Phòng không (tháng 3/1987). Tại đây, đồng chí đã biểu dương nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn vươn lên trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng và yêu cầu Quân chủng tập trung nghiên cứu tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng ra quyết định về biên chế tổ chức xây dựng lực lượng phòng không ba thứ quân tinh, gọn cũng như chức năng, nhiệm vụ của hệ thống cơ quan phòng không lục quân các cấp phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới; thường xuyên duy trì trạng thái, chế độ sẵn sàng chiến đấu, đẩy mạnh công tác huấn luyện, diễn tập; duy trì chặt chẽ chế độ công tác bảo quản, bảo dưỡng, nâng cấp vũ khí, trang bị và bảo đảm tốt đời sống và chính sách hậu phương gia đình cho bộ đội.

Với phong cách lãnh đạo, chỉ huy sâu sát thực tế, gần gũi với cán bộ, chiến sĩ, Đại tướng Lê Đức Anh luôn quan tâm đến đơn vị làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu. Trong chuyến thăm và kiểm tra Lữ đoàn phòng không 378 (8/1990), đồng chí đã nhắc nhở lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị quan tâm hơn nữa đến các hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, công tác bảo đảm kỹ thuật khai thác sử dụng vũ khí hiệu quả và bảo đảm nơi ăn, ở của bộ đội.

Bên cạnh đó, Đại tướng luôn quan tâm sâu sắc đến công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội. Bởi theo ông, chính sách là một mặt công tác quan trọng, kết hợp chặt chẽ với công tác tổ chức và công tác tư tưởng, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội ta. Ngày 10/9/1994, trên cương vị là Chủ tịch nước, đồng chí đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, tôn vinh những bà mẹ có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Đầu năm 1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 7 liệt sĩ phi công đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gồm: Vũ Xuân Thiều, Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Phi Hùng, Ngô Đức Mai, Lê Quang Trung, Lê Minh Huân và Hà Văn Chúc. Đây là sự động viên rất lớn cho bộ đội không quân trong sự nghiệp bảo vệ vùng trời Tổ quốc.

Trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng - an ninh, thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, đồng chí luôn quan tâm các đơn vị phòng không - không quân chiến đấu, quản lý vùng trời Tổ quốc. Nhân dịp đến dự kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống  Không quân nhân dân Việt Nam (03/3/1955 - 03/3/1995) đồng chí nhắc nhở bộ đội không quân trong sự nghiệp đổi mới vừa sẵn sàng chiến đấu cao vừa phải thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược quốc phòng và kinh tế. Ngày 01/5/1996, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đến thăm và kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của Trung đoàn không quân 937. Tại đây, đồng chí đã kiểm tra sở chỉ huy, khu trực ban chiến đấu và thăm khu huấn luyện bay của trung đoàn; ân cần thăm hỏi các đồng chí đang làm nhiệm vụ trên sân bay và xúc động khi thấy mọi người đều hết lòng vì nhiệm vụ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sinh hoạt chưa đầy đủ. Đồng chí căn dặn phải hết sức cảnh giác trước tình hình phức tạp trong khu vực, nhất là trên Biển Đông; cần cố gắng hơn nữa học tập và rèn luyện phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, huấn luyện bay an toàn; khai thác triệt để, hiệu quả tính năng của vũ khí trang bị kỹ thuật mới, nhanh chóng nâng cao sức mạnh chiến đấu bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

Trong tác chiến biển, đảo, để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ vùng trời Tổ quốc, vùng biển, hải đảo và thềm lục địa phía Nam, Đại tướng Lê Đức Anh ký quyết định thành lập Bộ chỉ huy phòng thủ căn cứ quân sự miền Trung, gồm: các đơn vị hải quân, phòng không, không quân đóng quân ở miền Trung và các đơn vị xây dựng căn cứ, đơn vị thông tin. Trong đó hải quân và không quân là lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ bảo vệ và chi viện cho quần đảo Trường Sa. Kiên quyết không để nước ngoài thực hiện được âm mưu lấn chiếm. Đồng thời, đồng chí cũng ký quyết định thành lập Bộ chỉ huy căn cứ Cam Ranh, và yêu cầu Quân chủng Phòng không nghiên cứu bố trí hoàn chỉnh hệ thống phòng không trên các đảo, bổ sung cán bộ, chiến sĩ phòng không - không quân trên đảo Trường Sa để tăng cường khả năng chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển, hải đảo Trường Sa. Đầu năm 1988, dưới sự chỉ đạo của Đại tướng, Bộ Tổng Tham mưu đã tổ chức cho các quân, binh chủng Hải quân, Không quân, Phòng không, Đặc công, Thông tin tiến hành diễn tập thực binh chi viện đảo và tiếp tục hoàn chỉnh các phương án phòng thủ và hiệp đồng của ba quân chủng với các lực lượng khi tác chiến biển, đảo.

Có thể nói, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố quốc phòng - an ninh dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đại tướng Lê Đức Anh, lực lượng phòng không - không quân thời gian này đã từng bước được phát triển cả về số lượng và chất lượng đủ khả năng bảo vệ vững chắc vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc. Các đơn vị phòng không được xây dựng thành 7 sư đoàn, tổ chức biên chế, trang bị của cơ quan, đơn vị, nhà trường và hệ thống đơn vị trực thuộc ngày càng đồng bộ và hoàn chỉnh trên các địa bàn chiến lược trong cả nước. Mạng ra đa được củng cố tăng cường vừa tinh gọn vừa bảo đảm thường xuyên quản lý tốt vùng trời của Tổ quốc. Bộ đội tên lửa, pháo phòng không - không quân được biên chế tinh, gọn, mạnh, bố trí có trọng điểm tại các khu vực bảo vệ mục tiêu trọng yếu; có lực lượng cơ động nhanh và có trang bị đánh đêm sẵn sàng chiến đấu bảo vệ các mục tiêu yếu địa chiến lược và tham gia chiến đấu trong chiến dịch binh chủng hợp thành, tăng cường sử dụng vũ khí công nghệ cao, trang bị hiện đại và nâng cao khả năng tác chiến điện tử để có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong điều kiện địch tập kích đường không với các quy mô khác nhau. Đồng thời, phát triển thế trận tác chiến đối không của các lực lượng phòng không - không quân hợp lý, chuyển hóa linh hoạt; lực lượng phòng không nhân dân với số lượng phù hợp, có chất lượng ngày càng cao. Đồng thời, xây dựng được lực lượng phòng không lục quân, dân quân tự vệ phòng không trên cả nước ngày càng phát triển. Từ chỗ chỉ có các tiểu đoàn, trung đoàn phòng không, đến nay ở hầu hết các quân khu, quân đoàn đều có Lữ đoàn Phòng không, 63 tỉnh, thành đều có lực lượng dân quân tự vệ phòng không, tạo thành thế trận phòng không nhân dân rộng khắp trên cả nước. Các đơn vị không quân phía Nam trở thành lực lượng xung kích trong tác chiến biển, đảo. Đến đầu năm 1997, các hoạt động bay nhiệm vụ như tuần tiễu, “Biển xa”, “Biển xa Tây Nam” thường xuyên được tổ chức, nhất là các đảo ven biển và trên quần đảo Trường Sa, đánh dấu bước phát triển mới về khả năng làm chủ bầu trời của Không quân nhân dân Việt Nam.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch nước, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh mãi mãi là tấm gương để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ phòng không - không quân noi gương. Chúng ta nguyện nỗ lực phấn đấu, ra sức bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, vùng biển và vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong lời kết của cuốn Hồi ký Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh - đồng chí viết: Từ thực tiễn hơn 70 năm hoạt động cách mạng của mình, tôi rút ra được đôi điều tâm huyết là phải luôn luôn rèn luyện, phấn đấu thường xuyên, liên tục, quá trình rèn luyện cần hội tụ đủ ba yếu tố. Thứ nhất: là luôn học tập không ngừng, nâng cao tri thức mọi mặt, đặc biệt là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thứ hai, là thường xuyên rèn luyện bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước cán bộ, chiến sĩ và trước cấp trên. Trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, lập trường cách mạng, cần có sự mềm dẻo, linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể, năng động, sáng tạo để đạt hiệu quả cao nhất trong chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Đảng và mệnh lệnh của cấp trên. Thứ ba, là luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản, có tinh thần cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên hết. Mọi suy nghĩ và hành động phải xuất phát từ lợi ích chung của Đảng, của nhân dân, của dân tộc; luôn phấn đấu vì lợi ích của nhân dân và của cả dân tộc, hết lòng thương yêu gắn bó với nhân dân, gắn bó với Tổ quốc thì dù khó khăn, gian khổ ác liệt và nguy hiểm đến mấy chúng ta cũng vượt qua được.

Ngày nay, trước những diễn biến mới của tình hình quốc tế và khu vực tiềm ẩn nhiều yếu tố mất ổn định, nguy cơ xảy ra chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên và khủng bố luôn rình rập, đặc biệt là diễn biến ở Biển Đông đang ngày càng phức tạp... đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề với Quân chủng Phòng không - Không quân. Để học tập và noi gương Đại tướng Lê Đức Anh, bộ đội phòng không - không quân không ngừng nâng cao tri thức, đặc biệt là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; thường xuyên rèn luyện bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Để bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân nguyện cùng nhau đồng sức, đồng lòng, nêu cao truyền thống anh hùng cách mạng, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, phẩm chất người chiến sĩ phòng không - không quân ưu tú, đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không để bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc. Trước mắt, Quân chủng Phòng không - Không quân cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề:

Một là, cán bộ, chiến sĩ phòng không - không quân thường xuyên trau dồi bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, có tinh thần cách mạng tiến công “dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng”, có tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật cao và phong cách làm việc khoa học, có tư duy đổi mới sáng tạo; không ngừng học tập nâng cao bản lĩnh chiến đấu, năng lực chỉ huy, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đủ khả năng tiếp thu và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại.

Hai là, toàn Quân chủng quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tích cực điều chỉnh tổ chức biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh, nhất là với lực lượng không quân. Đồng thời, dịch chuyển các đơn vị hỏa lực, các nhà máy, kho tàng, xây dựng các trận địa, sân bay dã chiến bí mật, khu vực cơ động... phù hợp với thế trận tác chiến của lực lượng phòng không ba thứ quân và không quân toàn quân, phù hợp với điều kiện thực tiễn, thế bố trí chiến lược quốc phòng - an ninh có khả năng chuyển hóa linh hoạt kịp thời trong các tình huống. Đồng thời, cải tiến, mua sắm vũ khí, trang bị kỹ thuật mới hiện đại để có thể phát hiện địch từ xa; tổ chức đánh địch từ xa và vươn xa đánh vào hậu phương địch trong điều kiện địch tác chiến điện tử mạnh.

Ba là, duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, quản lý điều hành bay ở tất cả các cấp. Tổ chức nghiên cứu, nắm địch thường xuyên, nhất là các thủ đoạn và các biện pháp tác chiến khi chúng tổ chức tiến công hỏa lực hay đột nhập đường không. Tích cực triển khai nghiên cứu phát triển lý luận nghệ thuật tác chiến của lực lượng phòng không - không quân; đặc biệt trong hiệp đồng tác chiến bảo vệ biển, đảo, khi tham gia các chiến dịch với binh chủng hợp thành, để có phương hướng chuẩn bị các mặt. Đồng thời, tăng cường công tác huấn luyện diễn tập sát với yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn chiến đấu trong điều kiện mới để bổ sung và hoàn thiện các phương án tác chiến, tránh để bị bất ngờ bởi các tình huống trên không.

Bốn là, thường xuyên chăm lo đến công tác hậu phương gia đình, nhất là đối với các đồng chí cán bộ công tác xa nhà, làm việc trong môi trường khắc nghiệt, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Kịp thời động viên, khen thưởng các đồng chí có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ.

Năm là, ra sức xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; đẩy mạnh chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, phi chính trị hóa quân đội và những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, hải đảo Tổ quốc.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Lê Đức Anh (1920-2020), chúng ta tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng quân đội, sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Noi gương Đại tướng Lê Đức Anh, mỗi cán bộ, chiến sĩ phòng không - không quân ra sức học tập, rèn luyện, đem hết sức lực và trí tuệ để xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, tạo sức mạnh tổng hợp, nâng cao sức mạnh và khả năng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng trời chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Thiếu tướng VŨ VĂN KHA