Đại tướng Lê Đức Anh và những phút sinh tử trên trận mạc
"Mình không duy tâm nhưng nhiều lúc nghĩ cụ Lê Đức Anh gần như người trời. Đến bây giờ cụ Anh mới về với cụ Hồ là một sự kỳ diệu. Những người từng thân thiết với cụ thường nhắc lại những lần vào sinh ra tử, đã gần như chết mấy lần".
Đó là những nhận định được đúc kết từ những quan sát thực tiễn cuộc sống, chiến đấu của Đại tướng Lê Đức Anh từ người trợ lý thân cận - đại tá Khuất Biên Hoà.
Ông Khuất Biên Hoà cho biết, đến trước 20h10, ngày 22/4/2019, Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử chỉ còn Đại tướng Lê Đức Anh là người duy nhất còn lại sau 44 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Hoà khẳng định, ông không duy tâm nhưng "nhiều lúc vẫn nghĩ cụ Lê Đức Anh gần như người trời".
"Đến bây giờ cụ Anh mới về với cụ Hồ quả là một sự kỳ diệu. Những người từng thân thiết với cụ thường nhắc lại những lần vào sinh ra tử, đã gần như chết mấy lần", ông Hoà nói.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh
"Không cưa..."
Theo lời kể của người trợ lý đặc biệt này, ngày xưa, thời thuộc Pháp, Việt Nam chìm trong đêm dài nô lệ. Thừa Thiên - Huế, quê cụ Lê Đức Anh khi đó là một trong những nơi nghèo nhất. Mỗi lần có trận dịch qua là "quét" đi gần nửa hoặc 2/3 dân số của làng. Có người vừa mới đi chôn người kia về là hôm sau đến lượt mình được người khác chôn. Ngày xưa đói nghèo, không có thuốc.
Năm đó, nhà bác Lê Đức Anh có 13 người con thì 3 người bị dịch đậu mùa. 2 người anh và chị của cụ bị nhẹ nhưng lại chết, cụ bệnh nặng nhất thì trời lại cứu. Nặng đến mức sau khi qua khỏi thì mắt bên trái của cụ để lại di chứng vảy cá và gương mặt bị rỗ, chân không đi nổi. Thân sinh của cụ Lê Đức Anh khi đó phải chôn 4 cây cột trong căn nhà tranh, vách đất rồi bắc lên đó 2 cây sào để cho con trai tập đi.
Dù sống sót qua trận dịch đó nhưng mắt và chân tay bên trái của chàng trai Lê Đức Anh yếu đi hẳn.
Sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, sang năm 1969, tướng Lê Đức Anh được phái về làm tư lệnh Quân khu 9 thay ông Đồng Văn Cống.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đại tướng Lê Đức Anh
Trong một trận đấu ác liệt, quả cối nổ gần làm tướng Anh ngã vật xuống, bất tỉnh. Ông được đồng đội cõng xuống xuồng máy và lao đi, đưa về đội phẫu thuật tiền phương.
"Cụ mê man không biết gì, bị thương rất nặng, cũng lại ở tay trái và chân trái. Đúng lúc anh em trao đổi với nhau về quyết định chuẩn bị cưa tay, chân. Thời kỳ đó khó khăn nên chỉ có cưa gỗ bôi qua cồn để cưa chứ không có phương tiện y khoa hiện đại như bây giờ. Cũng may cậu bác sĩ nói câu "cưa" to quá nên tướng Anh bừng tỉnh nghe được và lệnh: "Không cưa" - ông Hoà kể.
Ông Hoà cho biết, đến giờ gặp lại, anh em quân y vẫn kể rõ mồn một chuyện đó. Nếu như lúc đó tướng Anh được cưa bỏ tay chân bên trái thì thành thương binh, sẽ đưa về hậu phương chứ làm sao lên tiếp tục lăn lộn khắp các chiến trường, lên tới Đại tướng rồi làm Chủ tịch nước như bây giờ.
Một lần "chết hụt" khác trong trận mạc của Đại tướng Lê Đức Anh là ngay trước ngày kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối.
Buổi sáng 29/4/1975, bình thường tướng Lê Đức Anh đặt hầm Sở chỉ huy của mình ngay sát bờ sông Vàm Cỏ, còn bên trong cách 20m là nhà nửa nổi nửa chìm của Chính uỷ Lê Văn Tưởng.
Sáng hôm ấy, vào ăn sáng xong thì ông ra Sở chỉ huy, chuẩn bị sẵn sàng để chỉ huy đánh trận như thường lệ thì ông Tưởng bảo ông nằm võng của mình nghỉ vài phút rồi hẵng ra.
Tướng Anh nghe lời, vừa ngả lưng xuống thì ở ngoài có một quả bom thả xuống, nổ tung Sở chỉ huy.
"Nếu như hàng ngày, ăn xong ra Sở chỉ huy luôn thì mình cũng tiêu. Sát ngày giải phóng một ngày, chiến tranh có chừa ai. Cái ngẫu nhiên, tất nhiên, chả có quy luật nào cả. Hôm đó, nếu không nghe lời khuyên anh Tưởng và nằm lại võng của anh vài phút thì hôm nay không còn ngồi đây để viết hồi ký", Đại tá Khuất Biên Hoà kể lại lời của Đại tướng Lê Đức Anh về lần thoát chết hi hữu đó.
Ông Hoà khẳng định ông không duy tâm nhưng vẫn thừa nhận: "nhiều lúc nghĩ cụ Lê Đức Anh gần như người trời".
Chất "bộ đội cụ Hồ" của vị tướng trận
Đến năm 2001, cụ Lê Đức Anh trải qua 2 lần xuất huyết não rất nặng. Lần đầu xuất huyết trong TPHCM, ông được đưa ra bệnh viện Quân y 108 Hà Nội. "Lúc đó, tưởng như sức khoẻ cụ tính từng giờ", trợ lý Khuất Biên Hoà kể.
Lần đó, lo cho sức khoẻ của cụ, Tổng Bí thư Đỗ Mười viết thư cho ông Giang Trạch Dân và ông Dân cử đoàn cán bộ, bác sĩ đặc biệt gồm 6 người của Bộ Chính trị Trung Quốc sang bệnh viện Quân y 108.
Đó cũng là lần đầu tiên Việt Nam biết loại thuốc An cung ngưu hoàng hoàn. Thậm chí, vì tên thuốc dài nên suốt mấy năm đầu người ta nói thuốc ông Lê Đức Anh cho dễ hiểu.
Ngưu hoàng là con trâu vàng, tức bò tót mà vị chủ công của nó là sỏi mật con bò tót và kèm mấy vị nữa cho ra loại "thần dược" an cung ngưu hoàng hoàn. Với thuốc này, khi bị xuất huyết não, trong vòng 100 ngày, uống sớm càng tốt để giúp cho tiêu máu não, không để huyết khối chèn ép não.
"Dịp đó, chuyên gia y tế nước bạn điều trị rất giỏi. Cao huyết áp, đường trong máu, mỡ máu cao... đều trở lại ổn định và sức khoẻ cụ Anh trở lại bình thường", ông Khuất Biên Hoà kể.
Theo lời vị trợ lý tuổi 70, sức khoẻ của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh chỉ thực sự đi xuống khi vợ của cụ qua đời vào năm 2016.
"Hai ông bà càng già càng yêu thương nhau lắm. Họ không rời nhau nửa bước. Đến năm 2016 thì bà ốm nặng và tháng 11 thì bà đi. Từ đó đến giờ ông suy sụp hẳn", ông Hoà nói.
Trước Tết 2019 vừa rồi, cụ Lê Đức Anh bị xuất huyết não lần thứ 3 và vào bệnh viện 108, cầm cự đến bây giờ.
"Phải nói, hằng ngày, tôi thấy, về mặt tâm linh, người ta hay nói người như thế như người trời khi cán bộ lãnh đạo cùng thế hệ với cụ nhiều người khoẻ hơn cụ rất nhiều mà lần lượt "đi" hết, còn mỗi cụ. Trong khi đó, cụ đã nhiều lần bị "đòn chí tử" như thế mà lại vượt qua được. Còn về mặt biện chứng thì ở với Đại tướng Lê Đức Anh bao năm, tôi thấy cụ có bản lĩnh mà hiếm người đạt được", ông Hoà phân tích.
Cứ ngủ trưa dậy là cụ tập thể dục hơn 2 tiếng, có hôm 3 tiếng đồng hồ. Ở trên ban công có máy tập, như máy đạp xe. Cụ luyện tập tới đầm đìa mồ hôi, sau đó nghỉ ngơi rồi tắm nước nóng. Xong xuôi, thì cụ mới bắt đầu tiếp khách, làm việc, đọc sách...
"Cụ tập thể dục chuyên cần, không bỏ ngày nào. Nhờ vậy, thỉnh thoảng bị đau vặt như cảm cúm thì chỉ một hai ngày là qua hoặc cụ tự làm nó bay đi bằng tập thể dục. Đấy là một con người có chất bộ đội cụ Hồ cả trong việc tự rèn luyện, bảo vệ giữ gìn sức khoẻ", ông Khuất Biên Hoà nói.
Công Quang - Nguyễn Quang