Đại tướng Lê Đức Anh và những bức thông điệp lịch sử
Bởi lẽ, thời điển năm 2015, Đại tướng Lê Đức Anh là nhân chứng cao niên nhất và thuyết phục nhất về hành trình bảo vệ và kiến thiết đất nước Việt Nam từ trong bom đạn khói lửa đến hội nhập kinh tế quốc tế.
Đạo diễn Minh Chuyên có nhiều ngày gặp gỡ và trò chuyện với Đại tướng Lê Đức Anh khi làm phim “Bức thông điệp lịch sử”, chia sẻ: “Lúc ấy, cụ đã 95 tuổi, nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Những sự kiện, những nhân vật, những trận đánh đều được cụ nhớ một cách tỉ mỉ. Trước khi bắt tay làm phim, nhiều người bảo rằng, Đại tướng Lê Đức Anh rất nghiêm khắc và độc đoán. Thế nhưng, tiếp xúc với cụ, tôi thấy không phải. Đại tướng Lê Đức Anh rất gần gũi và rất thân thiện. Cụ ân cần với từng thành viên trong đoàn làm phim và luôn động viên chúng tôi tác nghiệp theo đúng tiến độ kế hoạch đã đề ra!”.
Đại tướng Lê Đức Anh chụp ảnh lưu niệm với nhà văn Minh Chuyên khi làm bộ phim tài liệu “Bức thông điệp lịch sử”
Trong bộ phim tài liệu “Bức thông điệp lịch sử” cũng như trong hồi ký của mình, Đại tướng Lê Đức Anh luôn khẳng định tính chính nghĩa làm nền tảng cho các cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc Việt Nam suốt thế kỷ 20: “Thắng lợi trọn vẹn của chúng ta có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân to lớn nhất, cơ bản nhất, gốc rễ nhất là tư tưởng “Nhân ái”.
Tư tưởng “nhân nghĩa” của thời đại Hồ Chí Minh là bắt nguồn truyền thống chí nhân chí nghĩa của dân tộc, như Nguyễn Trãi từng viết trong “Đại Cáo Bình Ngô”: “Lấy chính nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”.
Đọc những gì Đại tướng Lê Đức Anh đã viết trong cuốn sách “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng”, không khó để nhận ra phẩm chất một chiến sĩ cộng sản luôn đau đáu với khát vọng giải phóng dân tộc.
Những ngày tuổi hai mươi vật lộn với nắng gió miền Đông Nam bộ trước cách mạng Tháng Tám, được Đại tướng Lê Đức Anh thuật lại: “Tôi tìm hiểu tình hình và biết rõ thực trạng cuộc sống của những người lao động trong từng lô cao su. Tôi lựa lời bàn với họ làm sao giúp nhau để bảo đảm cho đời sống của người phu cao su đỡ cực khổ.
Tôi nói chuyện với các thầy xu và bàn với họ: Phải làm sao để chủ Tây không chửi mắng, không khinh người Việt ta quá thể... Khi công việc này đã có những kết quả khả quan, tôi nghĩ đến việc chọn những người tiêu biểu để giác ngộ và gây dựng lực lượng đầu tiên cho cách mạng ở vùng này. Nhưng muốn tiến hành việc đó, trước hết phải tìm cách bắt được liên lạc với tổ chức của Đảng. Lúc này, với đồng lương và sự tiết kiệm trong chi tiêu đã giúp tôi có điều kiện để thực hiện ý định này”.
Là một trong những vị chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Lê Đức Anh không hề đề cao vai trò của mình ở cột mốc lịch sử quan trọng này.
Đối với ông, để đi đến thắng lợi tháng 4-1975 là cả một quá trình dài trăn trở của một đội ngũ lãnh đạo quyết tâm đánh bại kẻ thù xâm lược: “Tháng 11/1973, sau khi được cùng anh Võ Văn Kiệt và Khu ủy Khu 9 lãnh đạo, chỉ huy lực lượng cách mạng của Quân khu đánh bại kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ” của địch, làm phá sản chiến lược bình định lấn chiếm sau Hiệp định Paris của chính quyền Sài Gòn, tôi được anh Lê Duẩn gọi ra Bắc báo cáo tình hình chiến trường. Anh nói rằng: “Mỹ tăng cố vấn và tăng viện trợ để thực hiện ý đồ “Quốc gia dân tộc”; nhưng bọn ngụy quyền vẫn tham nhũng và mâu thuẫn nhau nên chưa thực hiện được. Cả bộ máy quân sự khá đồ sộ, từ quân chủ lực tới quân địa phương, bảo an dân vệ, đến phòng vệ dân sự… đông, đồ sộ nhưng không mạnh”.
Anh nói một cách rành rẽ và kiên quyết: “Quyết không để cho quân ngụy nó lại hồn, không để cho nó trấn tĩnh lại, phải chớp thời cơ càng nhanh càng tốt. Nếu một khi nó đã hết hoang mang, ổn định tinh thần rồi thì mình sẽ khó vô cùng. Nếu kế hoạch cơ bản về “Việt Nam hóa” của nó mà làm được 70% thì ta sẽ khó khăn. Lúc đó nếu còn chiến tranh thì sẽ trở thành nội chiến; mà đã như thế thì nó sẽ diễn ra như thế nào, không ai lường trước được.
Nghiên cứu tình hình thì thấy rất rõ là từ giữa năm 1973 đến đầu 1974, địch bắt đầu thí điểm thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa” ở một số vùng ven đô. Bởi vậy, Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn và Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã chỉ rõ: Nhằm lúc Mỹ rút nhưng chưa rút xong và không thể quay lại, ngụy ở lại thì chưa ổn định, đây là thời cơ tốt nhất để ta tổng tiến công và nổi dậy đánh trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Thời cơ là vô cùng quan trọng. Thời cơ là sức mạnh. Đây là một tư duy sáng suốt!”.
Sau khi non sông liền một dải, với tư cách một trong những người đứng đầu quân đội, ông Lê Đức Anh đã có những quyết định mang tính đột phá. Đại tướng Phạm Văn Trà đánh giá về Đại tướng Lê Đức Anh: “Ông Lê Đức Anh là người chỉ huy dự đoán được sớm, nắm chắc được tình hình, trong lúc khó khăn nhất ông luôn vững vàng. Hòa bình lập lại, cấp trên có lệnh giải trừ quân bị, đưa anh em về. Riêng ông Lê Đức Anh, ở Quân khu 9 giữ lại 3 trung đoàn và ít cho ai về, nhất là sĩ quan. Ông chọn toàn bộ trung đoàn mạnh của Quân khu 8 và 9 thành lập Sư đoàn 330, trong khi các địa phương khác gần như cho về hết.
Khi Pol Pot đánh Việt Nam, chỉ có Quân khu 9 đánh còn Quân khu 7 lại gặp nhiều khó khăn. Việc thực hiện giảm quân số năm 1993 cũng thể hiện được sự dám chịu trách nhiệm của Đại tướng Lê Đức Anh. Đó là một quốc sách rất đúng vì giảm quân số sẽ tăng ngân sách cho nhà nước, giảm khó khăn cho đất nước”.
Tương tự, lúc sinh thời ông Võ Văn Kiệt cũng dành cho Đại tướng Lê Đức Anh những ngôn từ trân trọng: "Ngần ấy thời gian biết về anh Sáu Nam - Lê Đức Anh, có lúc cùng chiến trường, có lúc ở cấp lãnh đạo Nhà nước, anh là một cán bộ tham mưu tầm cỡ, một vị tướng chỉ huy cương nghị, bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm. Một Bộ trưởng Quốc phòng trong thời bình xây dựng có nhiều đổi mới trong tổ chức và bố trí lực lượng quân đội, lực lượng vũ trang nhân dân; một trong những nhà lãnh đạo quốc gia tầm cỡ trong thời kỳ đổi mới đất nước… Công bằng mà đánh giá, cũng không có nhiều tướng lĩnh như anh Lê Đức Anh!"
Sống gần trọn thế kỷ, Đại tướng Lê Đức Anh tâm niệm dù giai đoạn lịch sử nào thì những nhà lãnh đạo cũng phải lấy dân là gốc: “Nhớ lại những năm tháng đầy thử thách, cam go, khi bị kẻ thù khủng bố, đàn áp gắt gao, những lúc cách mạng gặp khó khăn, thử thách, song nhờ bám thực tế, chủ động sáng tạo, dựa vào dân, bám chắc vào dân nên tôi đã vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chính trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất mới thấy hết vai trò to lớn của nhân dân. Nhân dân không chỉ là người giúp đỡ, chở che, mà họ còn là nguồn sáng tạo vô tận để chúng tôi học tập”.
TUY HÒA