Quay lại

Ðại tướng Lê Ðức Anh và cuộc giảm quân lịch sử

LTS - Trong cuộc đời hoạt động cách mạng ghi đậm nhiều dấu ấn lịch sử, đồng chí Lê Ðức Anh, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã có nhiều cống hiến, đóng góp to lớn. Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của “một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Ðảng và Nhà nước ta”, như lời khẳng định của Cố Tổng Bí thư Ðỗ Mười, Nhân Dân cuối tuần xin trân trọng giới thiệu bài viết của Ðại tá, PGS, TS HỒ SƠN ÐÀI, về một quyết định mang ý nghĩa lịch sử của Ðại tướng Lê Ðức Anh, tạo bước ngoặt và khởi đầu cho việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trong giai đoạn phát triển đất nước thời kỳ hội nhập.
 

Ðại tướng Lê Ðức Anh trong chuyến thị sát biên giới phía bắc, tháng 12-1986. Ảnh tư liệu.

 

1. Tình thế không thể khác

Tháng 12-1986, từ chiến trường Campuchia trở về, Ðại tướng Lê Ðức Anh được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Tham mưu trưởng. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ mới, ông đi thị sát dọc vùng biên giới sáu tỉnh phía bắc. Qua chuyến thị sát, ông nhận thấy, hầu hết sư đoàn, quân đoàn chủ lực mạnh đều được điều hết lên biên giới bố trí theo kiểu “be bờ” với phương châm “Quyết tâm đánh thắng quân địch ngay từ tuyến đầu, trận đầu, loạt đạn đầu”. Ông tâm sự: “Qua chuyến thị sát, tôi nhận thấy việc điều động hết chủ lực lên dàn hàng ngang trên biên giới có gì đó chưa thật ổn, lực lượng dày đặc nhưng thế trận phòng thủ thiếu chiều sâu, trong khi lực lượng phòng thủ biển đảo và Tây Nguyên thiếu được tăng cường các đơn vị chủ lực mạnh”.

Cũng từ chuyến tìm hiểu thực tế, Ðại tướng Lê Ðức Anh nhận thấy đời sống của bộ đội trên biên giới quá kham khổ. Bộ đội đóng quân trên các cao điểm sát biên giới, đường đi lại hiểm trở, công tác bảo đảm hậu cần rất khó khăn. Mặt khác, số quân thường trực quá lớn, ngân sách quốc phòng đã chiếm tới 25% tổng thu nhập quốc dân, trong khi nền kinh tế đang trong tình trạng suy kiệt và khủng hoảng trầm trọng, lạm phát lên tới 774%. Ông nói: “Lúc đó, Liên Xô tư vấn với ta là phải tăng quân thêm một quân đoàn, nhưng tôi thấy rằng, tình thế buộc phải giảm quân số thường trực; việc giảm quân sẽ tập trung nguồn lực để tăng cường trang bị, huấn luyện, bảo đảm hậu cần, nâng cao sức chiến đấu của quân đội, đồng thời làm nhẹ gánh nặng chi phí quốc phòng, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước”.

Ngày 18-2-1987, Ðại tướng Lê Ðức Anh được bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương. Trước đó, trong Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Ðảng (tháng 6-1986), ông được bầu vào Bộ Chính trị. Cuối tháng 2-1987, trong cuộc họp Bộ Chính trị tại Nhà Con Rồng - Sở chỉ huy của Bộ Quốc phòng, Ðại tướng Lê Ðức Anh đã báo cáo kết quả chuyến thị sát, tình hình quân đội, tình hình biên giới phía bắc và đề xuất phải thực hiện hai việc cấp thiết trước mắt là bố trí lại đội hình, thế trận phòng thủ chiến lược và giảm quân số thường trực. Ðề xuất của ông được Bộ Chính trị chấp thuận và cho triển khai thực hiện.
 

2. Chiến lược phòng thủ chủ động

Trong nhiều lần trò chuyện về chủ đề xây dựng Quân đội, Ðại tướng Lê Ðức Anh luôn nhấn mạnh về vai trò của nhân dân, về tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc phát huy sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, và việc vận dụng nguyên lý này một cách nhuần nhuyễn, khoa học vào giai đoạn đầu tiên của công cuộc Ðổi mới. Ông cho rằng, việc bố trí lại đội hình phòng thủ chiến lược không chỉ đơn thuần thay đổi cơ học vị trí đứng chân của các đơn vị vũ trang, mà phải dựa trên nền tảng tư tưởng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận khu vực phòng thủ ở từng địa phương. Khu vực phòng thủ là bộ phận hợp thành thế trận phòng thủ quốc gia tổ chức theo địa bàn hành chính cấp tỉnh, huyện, nhằm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân; xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh đủ sức đối phó thắng lợi trước mọi tình huống.

Sau khi được Bộ Chính trị chấp thuận, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Ðức Anh chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu nghiên cứu xây dựng kế hoạch phòng thủ chiến lược theo tư duy mới. Trước mắt, điều chỉnh sơ bộ trên tuyến biên giới, đưa bộ đội địa phương và dân quân du kích lên tuyến một, các đơn vị chủ lực lui về tuyến hai nhằm tạo ra thế trận phòng thủ có chiều sâu, sau đó sẽ từng bước điều chỉnh lớn và cơ bản hơn. Ðồng thời, tiến hành điều chỉnh bố trí các đơn vị bộ đội địa phương của các quân khu, học viện, nhà trường, đơn vị kinh tế, hiện đại hóa trang bị khí tài quân sự, lực lượng phòng không tiến tới tự động hóa vũ khí tầm trung và tầm cao, hải quân có thể đóng được tàu 5.000 rồi 10.000 tấn. Trên cơ sở đó, bố trí lại lực lượng và tổ chức phòng thủ trên các hướng, các địa bàn chiến lược trọng yếu, vùng biển đảo và biên giới đất liền, nhất là khu vực quần đảo Trường Sa. 

Ðại tướng Lê Ðức Anh luôn tâm niệm, khả năng phòng thủ đất nước không chỉ cần một quân đội mạnh mà cần cả một nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, và điều ấy cần được thấm nhuần trong toàn dân, nhất là đội ngũ cán bộ các cấp. Ông đề nghị nghiên cứu, biên soạn tài liệu về khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), hướng dẫn và triển khai thực hiện, mở lớp đào tạo, tập huấn, tổ chức diễn tập với nhiều tình huống khác nhau, điển hình là các cuộc diễn tập ở Hải Phòng, Khánh Hòa và Ðồng Nai. Hoạt động bố trí lại đội hình chiến lược, thế phòng thủ chủ động nêu trên đã tạo tiền đề trực tiếp cho việc giảm quân số quân đội thường trực trên phạm vi cả nước.
 

3. Sáu mươi phần trăm và hơn nữa

Ý tưởng giảm quân số thường trực đã được Ðại tướng Lê Ðức Anh nung nấu từ nhiều năm trước. Năm 1979, trước nhu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, ta đã phát triển lực lượng quân đội thường trực lên quy mô lớn chưa từng có, tạo gánh nặng ngân sách quốc phòng đối với nền kinh tế đất nước. Việc bố trí lại đội hình phòng thủ chiến lược, nhu cầu giảm binh bị và phá thế bao vây cấm vận đặt ra nhiệm vụ phải giảm quân số quân đội thường trực. Giảm như thế nào? Ðại tướng Lê Ðức Anh cho rằng: Giảm quân số Quân đội thường trực là việc khó, tăng quân đã khó, giảm quân càng khó hơn, giảm quân nhưng không được làm cho quân đội yếu đi mà phải mạnh lên, “tinh” hơn, sức chiến đấu cao hơn. Nó không đơn thuần là việc thu gọn tổ chức, cho ra quân bao nhiêu, mà là vấn đề xây dựng quân đội đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thoạt đầu, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Ðức Anh đưa ra con số giảm hơn 60% số quân thường trực và xin từ 15% đến 18% ngân sách thu trong nước chứ không phải tổng thu ngân sách, càng không phải tổng thu nhập quốc dân. Bộ Chính trị đồng ý. Ông chỉ đạo cơ quan Bộ Tổng tham mưu xây dựng kế hoạch giảm hơn 60% quân số thường trực, xác định các đối tượng giảm và lộ trình giảm trong ba năm. Theo đó, việc giảm quân được tiến hành bởi nhiều giải pháp: giải thể những đơn vị được thành lập để thực hiện các nhiệm vụ lâm thời trước đó; giảm các đơn vị thứ tư của các tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn trên tuyến biên giới; điều chỉnh rút gọn các đơn vị thực hiện nhiệm vụ quốc tế và bộ đội biên phòng; giảm gọn biên chế các sư đoàn bộ binh, trung đoàn binh chủng, đơn vị huấn luyện và cơ quan nghiệp vụ của các tổng cục, quân khu, quân chủng, binh chủng ở phía sau; chuyển bớt một số đơn vị xây dựng kinh tế sang Nhà nước quản lý; kiện toàn các ban chỉ huy quân sự quận, huyện.

Kế hoạch xây dựng xong, Ðại tướng Lê Ðức Anh trình lên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công ký duyệt. Từ 1.500.000 quân nhân giảm còn 700.000 người (trong đó có 50.000 quân nhân thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế). Có thể nói rằng, đây là cuộc giảm quân phi thường, chưa có trong tiền lệ Quân đội Nhân dân Việt Nam!

Việc giảm quân số thường trực và điều chỉnh thế bố trí chiến lược là một trong những sự kiện lớn nhất trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam những năm 1987-1990. Nó góp phần tạo ra một thế trận phòng thủ quốc gia mới, phù hợp với tư duy nghệ thuật quân sự hiện đại và xu thế phát triển về kinh tế, xã hội, đối ngoại của đất nước, đặt tiền đề cho tiến trình phá bỏ thế cấm vận, hội nhập và phát triển thập niên 90 của thế kỷ trước!