Đại tướng Lê Đức Anh từng bị anh trai giận suốt 4 năm vì không "lo lót" việc cho cháu
Đại tá Khuất Biên Hoà nhấn mạnh câu "Quân pháp bất vị thân" khi nói về nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh: "Chủ tịch nước Lê Đức Anh không bao giờ lấy cương vị của mình để lo cho người thân". Cũng chỉ vì không chịu lo việc cho cháu mà Đại tướng bị anh trai giận suốt 4 năm trời...
Đại tá Khuất Biên Hoà mở đầu câu chuyện về nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh mà ông có thời gian dài là trợ lý giúp việc thân cận: "Cụ đã lên chức cao nhất là Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch nước nhưng suốt cả cuộc đời hoạt động, cụ không bao giờ lấy cương vị của mình để lo lắng cho con, cháu và những người thân trong gia đình, quê hương, họ hàng".
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh: "Quân pháp bất vị thân"
Không lo việc cho con cháu
Theo lời ông Hoà, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh có 3 người con. Người con cả là bà Lê Xuân Hồng, là thành viên trong đoàn học sinh miền Nam ra Bắc học. Sau đó, bà tiếp tục được cử sang Trung Quốc, Liên Xô để nâng cao trình độ.
Được đào tạo bài bản nhưng chức cao nhất của bà Hồng cũng chỉ là Hiệu trưởng Trường Sư phạm Mẫu giáo Trung ương 3, TPHCM và nghỉ hưu năm 2005.
Người con trai duy nhất của Đại tướng là ông Lê Mạnh Hà. Sau khi học ở Bộ đội thông tin xong thì ông Hà được cử đi học đại học bên Liên Xô rồi đi học quản lý kinh tế trường Harvard, Mỹ.
Có trong tay hai bằng chuyên môn nhưng chức cao nhất của ông Hà là Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, sau đó lên Phó Chủ tịch UBND TPHCM và những năm cuối trong sự nghiệp chính trị là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Người con gái út của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là bà Lê Xuân Hồng (trùng tên với người chị cả) làm đến Cục phó Cục Hải quan TPHCM. Tháng 11/2016, bà nghỉ hưu.
"Chị Hồng nghiệp vụ rất giỏi. Đối xử anh em rất đàng hoàng, đứng đắn. Lần nào đại hội, chị cũng đạt phiếu cao nhất. Chị không thích quan chức chứ thích thì khi ông Cục trưởng nghỉ là đến chị thôi. Thế nhưng, chị xin nghỉ hưu để ra Hà Nội chăm bà", ông Hoà kể.
"Đấy, 3 người con cũng chỉ ở chức nhàn nhàn. Điều đó cho thấy cụ không bao giờ lấy cương vị của mình để lo lắng, bợ đỡ cho các con, các cháu", ông Hoà đúc kết.
Cuốn hồi ký "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh"
Anh là Chủ tịch nước, em ở chung cư 24m2
Đại tá Khuất Biên Hoà còn dẫn ra câu chuyện trong gia đình nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là chuyện anh trai "gửi gắm" cháu và em gái út ở căn hộ 24m2.
Theo lời người trợ lý giúp việc Khuất Biên Hoà, gia đình Đại tướng Lê Đức Anh có 13 người nhưng lần lượt mất, còn lại 2 người con trai (ông Lê Hữu Độ và Đại tướng Lê Đức Anh) và 2 người con gái (bà Lê Thị Thể buôn bán ở Đà Nẵng và bà Lê Thị Xoan ở Huế).
Ông Lê Hữu Độ phụ trách trại chăn nuôi của Bộ Công an, sau đó nghỉ hưu.
Khi Đại tướng Lê Đức Anh đang là Chủ tịch nước thì con trai đầu của ông Độ tốt nghiệp đại học, có bằng kỹ sư, lấy vợ ở Gia Lâm, Hà Nội. Ông Độ rất phấn khởi, khăn gói ra nhờ em trai đang làm Chủ tịch nước.
Ông Độ bảo: "Thằng Phú nhà tôi đã tốt nghiệp có bằng kỹ sư rồi. Gia đình nó ở Gia Lâm. Chú lo giúp cho cháu có một vị trí ở gần đây để nó tiện đi về chăm sóc vợ con".
Nghe xong, người em trai Lê Đức Anh bảo: "Em chúc mừng anh chị. Chúc mừng cháu. Anh cứ bảo cháu rèn luyện, phấn đấu tốt đi, khắc sẽ có cơ quan đoàn thể người ta rước".
Nghe em trai nói câu đấy, ông Độ không cơm nước gì, bỏ về Huế luôn.
Ông Độ giận em trai suốt gần 4 năm trời. Sau đó, cô em gái út là bà Xoan biết chuyện nên mới đi "giảng hoà".
"Anh Độ ơi, anh không hiểu tính anh Anh rồi. Đến con ruột của mình, anh Anh cũng không lấy cương vị của mình để lo lót thì anh bảo làm sao anh ấy lo cho thằng Phú nhà anh được. Tính của anh như vậy, anh ấy không bao giờ thu vén bất cứ một cái gì về quyền lợi vật chất, quyền lợi chính trị cho kể cả anh ấy, cả con cái. Thôi đừng giận nhau nữa, bây giờ già rồi, thương nhau đi", ông Hoà kể lại lời bà Xoan.
Nghe xong lời phân trần của cô em gái út, ông Độ mới hiểu ra và từ đó anh em vui vẻ trở lại.
"Cụ đã lên chức cao nhất là Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch nước nhưng suốt cả cuộc đời hoạt động, cụ không bao giờ lấy cương vị của mình để lo lắng cho con, cháu và những người thân trong gia đình...".
Bà Xoan tham gia cách mạng và là một trong những Đảng viên đầu tiên của Thừa Thiên Huế từ thời kháng chiến chống Pháp. Chồng bà là Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y tế của Thừa Thiên Huế.
Hai ông bà đều là lão thành cách mạng, huân chương đầy ngực nhưng chỉ ở trong căn hộ rộng 24m2 trong Trường Trung cấp Y tế. Trường chuẩn bị quy hoạch, chốc chốc lại dọa đuổi.
Năm 2005, trong một lần vào Huế, ông Hoà biết được hoàn cảnh của bà Xoan nên đã gọi điện cho lãnh đạo tỉnh khi đó thông báo sự việc.
Bà Xoan vừa mừng, vừa lo. Mừng vì mình được cấp mảnh đất theo tiêu chuẩn nhưng lo vì sợ anh trai của mình là Đại tướng Lê Đức Anh biết chuyện mình "kể khổ" với trợ lý sẽ bị anh rầy.
"O Xoan dặn tôi đừng nói với cụ. Biết cụ quá liêm khiết nên o sợ cụ mắng", ông Hoà kể lại.
Mãi đến khi người con trai đầu của chồng bỏ tiền xây nhà, bà Xoan mới ra Hà Nội gặp cụ Lê Đức Anh và "thú nhận" toàn bộ sự việc.
Công Quang - Nguyễn Quang