Quay lại

Đại tướng Lê Đức Anh trong lòng người dân xứ Huế

Xứ Truồi ở Huế là nơi chứa đựng biết bao kỷ niệm thời thơ ấu của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh bởi đây là nơi ông đã sinh ra. Hay tin người con ưu tú của quê hương ra đi mãi mãi, người dân sống tại Thừa Thiên Huế không khỏi ngậm ngùi tiếc thương. Những ngày này, đâu đâu người dân cũng kể về Đại tướng bằng những mẩu chuyện góp nhặt qua nhiều lần gặp mặt ngắn ngủi lúc ông về thăm quê...

Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh (giữa). Ảnh chụp lại


Tu bổ nhà văn hóa

Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh là một người con của làng Bàng Môn (thôn Nam, xứ Truồi, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ngôi làng này nằm bên con sông Truồi hiền hòa, êm ả nhưng cũng rất nổi tiếng khi đã đi vào thi ca...

Người dân địa phương cho hay, mỗi lần về thăm quê nhà, Đại tướng Lê Đức Anh đều ghé thăm nhà văn hóa. Tìm hiểu được biết rằng, công trình nhà văn hoá Đại tướng Lê Đức Anh khánh thành năm 2012 ngay tại nơi ông sinh ra, với diện tích khoảng 4.000m2 bao gồm nhiều hạng mục như hệ thống nhà lưu niệm, thư viện, sân vườn... Đây là nơi lưu giữ nhiều tư liệu, sách, ảnh về Đại tướng. Từ khi đưa vào sử dụng, khu nhà này đã trở thành một địa chỉ văn hóa đón học sinh, người dân và du khách tham quan, tìm hiểu.

Sau khi hay tin người con ưu tú của quê hương ra đi mãi mãi, người thân và gia đình Đại tướng đã gấp rút trùng tu, dọn dẹp những vật liệu đang thi công ngỗn ngang, bởi nơi này cũng đã dần xuống cấp.

Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Nhà văn hoá Đại tướng Lê Đức Anh

Ông Lê Trung Thành (50 tuổi), cháu họ Đại tướng Lê Đức Anh cho biết, công trình được triển khai gấp rút khi gia đình nghe tin chú Anh mất.

“Hiện khuôn viên nhà văn hoá đã được cắt tỉa cỏ gọn gàng. Chúng tôi cũng tiến hành công tác chỉnh trang trong nhà - nơi lưu giữ những kỷ niệm, tư liệu, sách, ảnh về chú. Đến nay, mọi thứ đã xong để đón khách viếng thăm và hành hương tưởng nhớ Đại tướng Lê Đức Anh trong thời gian tang lễ diễn ra và cả sau này...”- ông Thành chia sẻ.

Cũng theo ông Thành, trước đó người dân và chính quyền địa phương mong muốn lập nhà văn hóa để tưởng nhớ công ơn của Đại tướng. Nhưng ban đầu, Đại tướng không đồng ý vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của dân, sau nhiều lần thuyết phục thì ông cũng đồng ý và căn dặn “làm sao đó cho hợp lòng dân”...

Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Người dân sửa chữa lại nhà văn hóa

Cũng theo người thân của Đại tướng, những ngày vừa qua, bà con hàng xóm và cả du khách đã lui tới ngôi nhà văn hóa để hỏi thăm, chia buồn với gia đình, với quê hương.
 

Vị Đại tướng giản dị

Có mặt ở làng Bàn Môn trong những ngày qua, PV nhận thấy không khí ở đây trở nên trầm lắng, nhẹ nhàng dù Huế đang mùa Festival và trong những ngày nghỉ lễ của dân tộc. Khi được hỏi về Đại tướng, ai cũng nhắc đến ông trong niềm xúc động khôn nguôi. Trong ký ức của người dân, bà con dòng họ nơi đây, hình ảnh nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là một vị tướng lĩnh tài ba nhưng rất đỗi gần gũi, thân thương và giản dị...

Ở cạnh bên nhà văn hóa, ông Trần Đình Hàng (85 tuổi) không giấu được sự tiếc thương khi nhắc đến Đại tướng. “Từ ngày đất nước giải phóng đến nay, Đại tướng đã nhiều lần ghé về thăm quê hương và bà con làng xóm, lần gần nhất là năm 2014. Tôi còn nhớ vào năm 2012, ông và gia đình về dự lễ khánh thành nhà văn hóa, tôi may mắn có dịp trò chuyện với Đại tướng. Lúc nào cũng vậy, ông luôn gần gũi, dễ mến và người không quên thăm hỏi về tình hình cuộc sống, công việc làm ăn của bà con. Đại tướng cũng ngồi với bà con ăn bữa cơm canh rau muống với cá kho rất đơn giản.…”- ông Hàng nhớ lại.

Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Nhiều tư liệu quý giá được trưng bày trong nhà văn hóa Đại tướng

Ông Lê Trung Thành xúc động cho hay tháng 5/2018, ông có dịp ra Hà Nội ghé thăm Đại tướng. Lúc này, Đại tướng đang nằm điều trị tại bệnh viện. “Lần đó, tôi nắm tay ông rồi bảo, cháu Lê Trung Thành, người coi nhà văn hóa cho chú ra thăm chú đây. Chú cố gắng giữ gìn sức khỏe để cuối năm về thăm con cháu nhé. Dù chỉ gật đầu không nói được gì, nhưng ông nắm tay tôi thật chặt. Không ngờ, đó là lần cuối cùng tôi được gặp ông”- ông Thành bùi ngùi nói.

Theo lời kể của người thân, mỗi lần về quê thì Đại tướng thường thích dùng những món ăn đơn giản ở quê hương. Đặc biệt một thứ không thể thiếu được là nước chè xanh xứ Truồi.

“Đại tướng về và lặng lẽ đi vậy thôi nên nhiều khi chúng tôi không biết mà đón. Ông thường ghé thăm mấy nhà có cháu nhỏ, nói chuyện, dặn dò các cháu ngoan, học hành cho giỏi. Mọi người ở đây ai cũng biết đến ông với đức tính giản dị, liêm khiết. Con cháu trong thôn giờ đây lấy ông là tấm gương sáng để học hỏi”- ông Trần Văn Luật (69 tuổi, trưởng thôn Nam đã có 5 nhiệm kỳ) nói.

Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Người dân Lộc An bùi ngùi nhớ lại những lần mà Đại tướng về thăm quê

Theo anh Lê Hữu Đức (cháu nội ông Lê Hữu Độ, là anh ruột Đại tướng Lê Đức Anh), thường ngày có rất đông các em học sinh đến nhà văn hóa và thư viện để vui chơi và tìm đọc những cuốn sách viết về Đại tướng. Vì vậy, nơi đây cũng là một trong những “địa chỉ đỏ” bồi dưỡng niềm tự hào truyền thống cách mạng của quê hương Lộc An, tự hào về Đại tướng Lê Đức Anh cho thế hệ trẻ.

Ghi nhận của chúng tôi trong Sổ vàng lưu niệm tại Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh có bút tích của nhiều vị lãnh đạo Đảng, nhà nước.

Cụ thể như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (ghi vào ngày 7/4/2012): “Đại tướng Lê Đức Anh một cán bộ quân sự - chính trị và giàu nét văn hóa dân tộc đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho cách mạng, cho dân tộc. Công lao to lớn của đồng chí Quân đội, nhân dân và Đảng ta mãi mãi trân trọng và học tập, phát huy”.

Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh
Các em học sinh đến nhà văn hóa tìm đọc sách về Đại tướng Lê Đức Anh

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: “Tôi rất vui mừng được dự lễ khánh thành nhà văn hóa mang tên Đại tướng Lê Đức Anh. Mong rằng nhà văn hóa sẽ khích lệ con em các thế hệ của Phú Lộc - Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung, noi gương người chiến sĩ cách mạng kiên trung, vị tướng lĩnh tài ba, nhà chính trị xuất sắc của Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp cao cả: Bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường”.

Giờ đây người dân bên dòng sông Truồi đã mãi mãi không còn thấy bóng dáng vị tướng già về thăm quê. Đại tướng Lê Đức Anh đã đi xa, nhưng hình ảnh một vị tướng tài ba, nặng lòng với quê hương vẫn sống mãi trong lòng dân...

Đại tướng, Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ trần vào hồi 20 giờ 10 phút, ngày 22/4/2019 tại nhà Công vụ, số 5A, phố Hoàng Diệu, TP. Hà Nội. Tang lễ tổ chức theo nghi thức Quốc tang. Linh cữu Đại tướng quàn tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng từ 17 giờ ngày 3/5/2019 tại Nghĩa trang TP. Hồ Chí Minh. Trong 2 ngày Quốc tang (3 và 4/5/2019), các công sở, nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng tất cả các hoạt động vui chơi giải trí...

 

Văn Dinh