Quay lại

Đại tướng Lê Đức Anh trong lòng bè bạn thế giới

Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng... Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh để lại nhiều dấu ấn sâu đậm, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vào công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, vào quá trình củng cố, tăng cường tình đoàn kết quốc tế, xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ những cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, Đại tướng Lê Đức Anh đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều Huân chương, Huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế. Khi còn sống cũng như khi qua đời, Đại tướng Lê Đức Anh để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng  bạn bè thế giới.
 

Trong suốt những năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Lê Đức Anh đã góp phần quan trọng xây dựng, củng cố mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam - Lào. Trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng như trên cương vị Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã có nhiều cuộc gặp gỡ, hội đàm cấp cao với lãnh đạo Bộ Quốc phòng Lào, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào để bàn biện pháp đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực. Thành tựu quan hệ giữa Việt Nam - Lào đạt được bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết giữa hai nước, trong đó có công lao to lớn của Đại tướng Lê Đức Anh.

Ngày 22/4/2019, Đại tướng Lê Đức Anh từ trần, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Quốc hội, Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước gửi Điện chia buồn tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bức điện viết: “Chúng tôi đánh giá cao sự đóng góp to lớn của đồng chí Lê Đức Anh trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước của Việt Nam trong hơn 80 năm qua. Đồng chí Lê Đức Anh đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam”.

Ngày 03/5/2019, lễ viếng và truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh được tổ chức trọng thể tại Hà Nội theo nghi thức quốc tang. Trong niềm tiếc thương vô hạn, Đoàn đại biểu cấp cao Lào do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Saysomphone Phomvihane làm Trưởng đoàn đến viếng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh. Trong sổ tang, đồng chí Saysomphone Phomvihane viết: “Đồng chí Lê Đức Anh từ trần, không chỉ Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam mất đi một nhà lãnh đạo kính yêu, mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào chúng tôi cũng mất đi một người bạn thân thiết, gần gũi. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, đồng chí Lê Đức Anh có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ đất nước, bảo vệ trật tự, an ninh, an toàn xã hội.

Đồng chí Lê Đức Anh cũng là nhà lãnh đạo có những đóng góp quan trọng vào việc phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào - Việt Nam trong suốt thời gian qua...”.

Không chỉ có nhiều đóng góp trong xây dựng, phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Đại tướng Lê Đức Anh có nhiều đóng góp trong xây dựng mối quan hệ Việt Nam - Campuchia. Biểu hiện rõ nét là, sau khi các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam đánh tan quân Pôn Pốt xâm lược trên tuyến biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng, đồng chí Lê Đức Anh có nhiều đề xuất thể hiện tầm nhìn và tư duy chiến lược về việc giúp Campuchia  hồi sinh đất nước. Việc đầu tiên đồng chí Lê Đức Anh đề xuất và được tập thể lãnh đạo nhất trí là bộ đội và chuyên gia Việt Nam phải tập trung cứu đói, cứu đau cho dân; nhanh chóng khôi phục lại xã hội Campuchia; khôi phục lại sản xuất; vận động binh lính Pôn Pốt bỏ hàng ngũ trở về với gia đình; giúp bạn xây dựng thực lực cách mạng để bạn tự đảm đương công việc của mình. Đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ đạo các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đánh bại các cuộc phản kích và truy quét, làm tan rã một bộ phận lớn tàn quân Pôn Pốt, giữ vững thành quả cách mạng; đồng thời giúp bạn xây dựng công trình phòng thủ biên giới mang tên “K5”, dài 800km.

Trong những năm làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia, đồng chí Lê Đức Anh luôn quan tâm giáo dục, động viên bộ đội và chuyên gia Việt Nam vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả. Dưới sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của đồng chí Lê Đức Anh, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam cùng quân dân Campuchia đã thực hiện thắng lợi ba mục tiêu chiến lược của cách mạng Campuchia được xác định trong Nghị quyết số 39 ngày 15/02/1983 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia: “1. Tiếp tục làm cho quân Pôn Pốt tan rã, suy tàn hơn nữa. 2. Tiếp tục xây dựng thực lực cách mạng Campuchia mạnh hơn cả về số lượng và chất lượng, đủ sức đảm nhiệm cuộc đấu tranh thắng lợi với mọi kẻ thù, bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng, bảo vệ và xây dựng đất nước. 3. Bảo đảm đoàn kết liên minh chiến lược, chiến đấu Campuchia - Việt Nam trên một thế vững chắc hơn và mạnh hơn”. Với thành tích xuất sắc trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng, tái thiết đất nước, đồng chí Lê Đức Anh được thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng vào tháng 01/1980, Đại tướng tháng 12/1984. 

Tháng 12/1986, Đại tướng Lê Đức Anh được bổ nhiệm giữ chức Tổng Tham mưu trưởng, đến tháng 02/1987, làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ngày 23/9/1992, Quốc hội khóa IX bầu Đại tướng Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và giữ cương vị này đến tháng 12/1997. Trong thời gian này, Đại tướng Lê Đức Anh tiếp tục có nhiều đóng góp trong xây dựng, phát triển mối quan hệ Việt Nam - Campuchia. Với những đóng góp to lớn cho mối quan hệ Việt Nam - Campuchia, khi Đại tướng Lê Đức Anh qua đời, nhân dân Campuchia bày tỏ niềm tiếc thương to lớn. Giáo sư, Tiến sĩ Ka Mathul, Chủ nhiệm Khoa Quan hệ quốc tế, Viện Quan hệ quốc tế Campuchia (thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia) trong bài trả lời phỏng vấn Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Campuchia ngày 04/5/2019, nhấn mạnh: “Phần lớn cuộc đời Đại tướng Lê Đức Anh cống hiến, phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông là một người con anh hùng của nhân dân Việt Nam. Đại tướng Lê Đức Anh tham gia chống Pháp, chống Mỹ và trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, ông là Tư lệnh Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia”. Bên cạnh đó, Giáo sư, Tiến sĩ Ka Mathul nêu rõ: Với sự trợ giúp của Việt Nam, đặc biệt là Đại tướng Lê Đức Anh, Campuchia đã thành lập một đơn vị chiến đấu tại Việt Nam với tên gọi Đoàn 125, tại xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai (12/5/1978), sau đó kết hợp với Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước (thành lập ngày 02/12/1978). Hai bên nhận thấy cần phải lật đổ chế độ Khmer đỏ và lấy ngày 25/12/1978 là ngày lật đổ chế độ này, sau đó chiến thắng hoàn toàn vào ngày 07/01/1979. Giáo sư Ka Mathul khẳng định: Với sự trợ giúp của quân tình nguyện Việt Nam tinh nhuệ và tài chỉ huy quân sự sáng suốt của Đại tướng Lê Đức Anh, đất nước Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ để có được đất nước Campuchia như ngày hôm nay.

Khi Đại tướng Lê Đức Anh qua đời, Đoàn đại biểu cấp cao Campuchia do Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen làm Trưởng đoàn đến viếng. Xúc động vào ghi sổ tang, Thủ tướng Hun Sen viết: “Việc giải phóng nhân dân thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt, việc ngăn chặn chế độ diệt chủng quay trở lại, công cuộc xây dựng lại đất nước Campuchia, đặc biệt, sự trưởng thành của Quân đội Campuchia đều có sự đóng góp của Bác. Trong quá trình làm nhiệm vụ của Bác tại Campuchia, Bác đã thay mặt Đảng, Chính phủ và quân tình nguyện Việt Nam thực hiện trọn vẹn chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền của Campuchia, tôn trọng sự lựa chọn của nhân dân Campuchia về hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội của Campuchia. Trong quá trình thực hiện chức năng là Chủ tịch nước Việt Nam, Bác là một trong những người cùng với Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam thúc đẩy quan hệ trên mọi lĩnh vực giữa hai nước Campuchia - Việt Nam phát triển nhanh chóng... Với tư cách là một nhà chính trị và Tư lệnh Quân đội, tôi luôn coi Bác là nhà chiến lược tài ba về quân sự và chính trị mà tôi chưa từng gặp người nào như vậy ở các nước khác”.

Cùng với sự đánh giá của lãnh đạo Campuchia, khi Đại tướng Lê Đức Anh qua đời, tác giả William Branigin viết: Đại tướng Lê Đức Anh được biết nhiều với vai trò chỉ huy lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam lật đổ chế độ Khmer Đỏ, sau đó giúp nhân dân Campuchia hồi sinh đất nước...

Không chỉ Lào, Campuchia, Cuba là nước có quan hệ gắn bó với Việt Nam. Mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Cuba do Chủ tịch Fidel Castro và Chủ tịch Hồ Chí Minh
đặt nền móng, ngày càng gắn bó khăng khít, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Góp phần vào thành tựu của mối quan hệ giữa hai nước, Đại tướng Lê Đức Anh để lại nhiều dấu ấn. Khi Đại tướng Lê Đức Anh qua đời, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez gửi Điện chia buồn tới Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, nêu rõ: “Thay mặt nhân dân và Chính phủ Cuba, tôi xin bày tỏ với các đồng chí niềm tiếc thương sâu sắc khi biết tin đồng chí Lê Đức Anh, người bạn thân thiết, người đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển mối quan hệ mật thiết giữa Cuba và Việt Nam qua đời”.

Tại Hà Nội, ngày 03/5/2019, lễ viếng và truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh được tổ chức trọng thể. Đoàn đại biểu cấp cao Cuba do Bộ trưởng Bộ Truyền thông Jorge Luis Perdomo dẫn đầu đến viếng,  ghi sổ tang:  “Sự ra đi của đồng chí Lê Đức Anh là một tổn thất to lớn đối với sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam và trên thế giới. Cuộc đời mẫu mực và những đóng góp to lớn của đồng chí với nền độc lập và chủ quyền của Việt Nam sẽ không bao giờ bị lãng quên... Đồng chí Lê Đức Anh là một người bạn lớn của
nhân dân Cuba và là người đã gìn giữ và vun đắp mối quan hệ anh em và đoàn kết giữa Việt Nam và Cuba...”.

Thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam từng bước tiến hành bình thường hóa quan hệ với một số nước lớn, trong đó có Hoa Kỳ. Bộ Chính trị giao lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng lo việc này. Lúc đó, Đại tướng Lê Đức Anh đang giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Điều cần nhấn mạnh, trong thời điểm ấy, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chưa có một kênh tiếp cận chính thức nào. Chiến tranh đã kết thúc được hơn một thập kỷ nhưng sự hận thù vẫn còn sâu sắc. Sau những trăn trở, tìm tòi, Đại tướng Lê Đức Anh đã đề xuất những bước đi khôn khéo với chiến dịch “Phẫu thuật nụ cười” và “Tìm kiếm người Mỹ mất tích - MIA” - mở ra một cách tiếp cận trong việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Đó là cách làm đầy sáng tạo và bước mở đầu đó góp phần quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh sang New York dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên hợp quốc vào tháng 10/1995, ông trở thành Nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam đặt chân tới Hoa Kỳ. Thực tế cho thấy, trong 25 năm qua, những bước phát triển trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của mỗi nước và hòa bình ổn định ở khu vực đã chứng minh tầm nhìn của Đại tướng Lê Đức Anh. Đánh giá công lao của Đại tướng Lê Đức Anh, khi ông qua đời, Tờ “The Washington Post” số ra ngày 26/4/2019, tác giả William Branigin viết: Đại tướng Lê Đức Anh được biết đến là người cộng sản kiên trung, người luôn nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng đối với mọi hoạt động của đời sống xã hội, người góp nhiều công sức cho sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam và chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế thị trường trong thời gian giữ cương vị Chủ tịch nước từ năm 1992 đến năm 1997. Tác giả William Branigin nhấn mạnh: trong thời gian Đại tướng Lê Đức Anh giữ cương vị đứng đầu đất nước, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, chấm dứt sự đối đầu giữa hai nước kéo dài trong những năm chiến tranh.

Cùng với Hoa Kỳ, Đại tướng Lê Đức Anh được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao trọng trách “mở đường” trong việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Với tài năng và sự sáng tạo của mình, Đại tướng Lê Đức Anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Tháng 7/1991, Bộ Chính trị cử Đại tướng Lê Đức Anh làm Phái viên của Bộ Chính trị sang bàn bạc những vấn đề cụ thể việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Tháng 11/1991, nhận lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc vụ Viện Trung Quốc Lý Bằng, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu sang thăm Trung Quốc, chính thức bình thường hóa quan hệ hai nước và mở ra một trang sử mới trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của Đại tướng Lê Đức Anh. Khi Đại tướng qua đời, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình gửi Điện chia buồn tới Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Bức điện viết: “Đồng chí Lê Đức Anh đã có cống hiến quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam, luôn không ngừng nỗ lực trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước Trung - Việt phát triển”.

Có thể nói, với tất thảy những gì để lại, Đại tướng Lê Đức Anh không chỉ là vị tướng xuất sắc thời đại Hồ Chí Minh, vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết đoán, mưu lược, sáng tạo, vị Chủ tịch nước có nhiều cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp đổi mới đất nước mà còn để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng bè bạn thế giới. Ngay từ khi Đại tướng Lê Đức Anh còn sống cũng như khi đã về cõi vĩnh hằng, bạn bè thế giới luôn dành cho ông tình cảm sâu đậm và khẳng định công lao to lớn của ông đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam cũng như việc củng cố tình đoàn kết quốc tế giữa các dân tộc.

Đại tướng Lê Đức Anh đã đi xa, nhưng những cống hiến của Đại tướng đối với cách mạng Việt Nam và tình đoàn kết quốc tế vẫn sẽ còn mãi. Nhiệm vụ của chúng ta hôm nay và mai sau là phải kế thừa, phát huy những kinh nghiệm mà Đại tướng Lê Đức Anh để lại vào công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, để xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xứng đáng với những đóng góp của các thế hệ cha anh và của Đại tướng Lê Đức Anh.

      Đại tá, TS. TRƯƠNG MAI HƯƠNG