Quay lại

Đại tướng Lê Đức Anh thời kỳ đổi mới

Trong cuốn “Ghi nhớ thời gian công tác ở Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, tôi đã học tập được một số kinh nghiệm của các đồng chí lãnh đạo Cục, các đồng nghiệp trong cơ quan.

Tài năng, đức tính tốt đẹp và tác phong công tác của các đồng chí lãnh đạo Bộ là điều tôi quan tâm học tập, rèn luyện. Nhưng không thể ghi lại tất cả kinh nghiệm, bài học mà các đồng chí lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ để lại cho mình. Tôi càng không dám đánh giá từng đồng chí, vả lại tôi chỉ được biết một thời gian mà không biết được toàn bộ cuộc đời hoạt động của các đồng chí. Bởi vậy tôi chỉ xin nêu lên những điểm nổi bật mà tôi đã học tập được, không thể nêu hết ưu điểm của từng đồng chí; còn khuyết điểm và nhược điểm thì không ai có thể tránh được, như Bác Hồ đã nói.

Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh

Trong các đồng chí lãnh đạo Bộ mà tôi đã được sự chỉ đạo, có đồng chí Lê Đức Anh.

Năm 1954, sau thắng lợi chống thực dân Pháp xâm lược, miền Bắc nước ta được giải phóng, Bộ Tổng tham mưu về đóng quân trong “thành cổ” ở Hà Nội. Cục Tác chiến ở trong “khu A”, thủ trưởng Cục ở trên “Lầu công chúa”. Lúc đó tôi là cán bộ, lần đầu tiên gặp và làm việc với đồng chí Lê Đức Anh, một chỉ huy quân sự ở miền Nam ra đảm đương Phó cục trưởng Cục Tác chiến.

Thời gian đầu, tôi đã được đồng chí hướng dẫn về tổ chức đón tiếp các đơn vị bộ đội ở miền Nam ra tập kết ở miền Bắc. Là người hoạt động lâu năm ở Nam Bộ, biết rõ tính chất, đặc điểm của các đơn vị, của cán bộ chiến sĩ Nam Bộ, nên đồng chí đã chỉ đạo rất chu đáo, tỉ mỉ trong việc tổ chức đón tiếp, bố trí đóng quân, bảo đảm ăn, ở của anh em Nam Bộ ra miền Bắc, phù hợp với đặc điểm tình hình từng đơn vị và lối sống của anh em.

Sau một thời gian ngắn, tôi được đi học ở Học viện quân sự Trung Quốc. Năm 1960 tôi lại trở về công tác ở Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu. Đồng chí Lê Đức Anh đã chuyển sang làm Cục trưởng Cục Quân lực, rồi Phó tổng Tham mưu trưởng. Đồng chí trở lại chiến trường miền Nam trên con tàu Không số, làm Tham mưu trưởng, Phó chỉ huy Quân giải phóng Miền Nam. Từ đó, tôi không được cùng làm việc với đồng chí Lê Đức Anh. Cuối năm 1973, đồng chí Lê Đức Anh, khi đó là Tư lệnh Quân khu 9, bí mật ra miền Bắc bằng đường biển trên một con tàu đánh cá của ta, để báo cáo với Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương về việc đấu tranh thi hành hiệp định Paris. Quân khu 9 dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, mà đồng chí Lê Đức Anh là Tư lệnh đã kiên quyết thực hiện chủ trương đúng đắn: Phản công và tiếp tục tiến công địch, đánh bại “chiến lược bình định cấp tốc, lấn đất, cắm cờ của chúng vào vùng giải phóng của ta. Ta vẫn giữ vững, củng cố và mở rộng cùng giải phóng.

Khi đồng chí Lê Đức Anh trở lại miền Nam, làm Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, tôi được Bộ phái vào công tác ở Bộ Tham mưu Miền, và tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ, liên hệ các binh trạm dẫn đường đưa đồng chí vào theo đường Trường Sơn (559).

Trước cuộc Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, tôi được đảm trách Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, có điều kiện ở gần và công tác dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Đức Anh và Bộ chỉ huy Miền.

Trong chiến tranh biên giới Tây Nam và giúp bạn giải phóng đất nước, thoát khỏi nạn diệt chủng của bọn Pôn Pốt, giúp bạn hồi sinh đất nước, đồng chí là Tư lệnh Quân khu 7, tôi làm Tham mưu trưởng Quân khu 7. Sau đó đồng chí là Tư lệnh Quân tình nguyện (Bộ Tư lệnh 719) ở Campuchia, tôi làm Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, từng thời kỳ tôi vào công tác, báo cáo với đồng chí về tình hình chung và kế hoạch tác chiến.

Thời gian tôi được làm việc dài nhất với đồng chí là từ cuối năm 1986 đến năm 1992, khi đồng chí làm Tổng Tham mưu trưởng, rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Đồng chí Lê Đức Anh là một trong những cán bộ cấp cao có nhiều kinh nghiệm chỉ đạo chiến tranh trên chiến trường Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công trong đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị với địch, nhất là trong giai đoạn thi hành Hiệp định Paris. Đồng Lê Đức Anh là một vị chỉ huy luôn đi sâu sát các đơn vị cơ sở, trên các điểm nóng ở chiến trường Campuchia; lên tận các chốt ở biên giới phía Bắc để nghiên cứu tình hình ra các đảo của quần đảo Trường Sa động viên cán bộ chiến sĩ và chỉ đạo việc củng cố phòng thủ bảo vệ chủ quyền hải đảo và vùng biển của Tổ quốc.

Đồng chí là một cán bộ lãnh đạo cấp cao của Quân đội và Nhà nước, nhưng cuộc sống, sinh hoạt rất giản dị. Trong đấu tranh chống tham nhũng thì rất kiên quyết. Khi làm việc thì biết lắng nghe ý kiến cấp dưới, nhưng có tính quyết đoán và có những chủ trương táo bạo, chính xác. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, tôi là Cục trưởng Cục Tác chiến nên thường xuyên được làm việc với đồng chí Lê Đức Anh. Giai đoạn này toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực thực hiện đường lối “đổi mới”. Có lần tôi hỏi đồng chí nội dung “đổi mới về quân sự”, chỉ mấy câu ngắn gọn, đồng chí đã giúp tôi có nhận thức và quan điểm đúng về vấn đề còn quá mới mẻ. Đồng chí nói:

“Cái gì trước đây làm đúng, thì nay cứ tiếp tục làm.

Cái gì trước đây làm sai, thì nay phải sửa lại.

Cái gì trước đây chưa làm, nay thấy cần phải làm thì bổ sung thêm.

Cái gì trước đây làm theo tình hình lúc đó, nay thấy cần thì thay đổi cho phù hợp với tình hình mới”.

Từ quan điểm “đổi mới về quân sự” theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, đồng chí đã đề xuất về “một cuộc điều chuyển chiến lược” phù hợp với tình hình mới. Đây không phải là “thay đổi chiến lược” mà là “điều chỉnh bố trí chiến lược”.

Chủ trương rút các đơn vị áp sát biên giới dãn về phía sau, giao cho các lực lượng vũ trang địa phương tự bảo vệ các tỉnh biên giới, tập trung các đơn vị chủ lực làm lực lượng cơ động, từ đó có thể tiến hành giảm quân số một phần bộ đội chủ lực.

Chủ trương của đồng chí Lê Đức Anh “Xây dựng các tỉnh (thành phố) thành các khu vực phòng thủ vững chắc” là một vấn đề chiến lược quan trọng. Nó thể hiện quan điểm chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện trong mỗi khu vực tỉnh (thành phố). “Phát huy sức mạnh tổng hợp tại chỗ, các lực lượng vũ trang của địa phương, của các ngành dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng ủy quân sự tỉnh (thành) do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy (Thành ủy) làm Bí thư Đảng ủy. Cơ quan quân sự và công an tỉnh (thành) làm tham mưu. Chỉ huy trưởng quân sự tỉnh thành, thống nhất chỉ huy các lực lượng vũ trang địa phương, để tự lực bảo vệ địa phương mình”. Mỗi tỉnh (thành phố) là một khu vực phòng thủ vững chắc, là một “mắt xích quan trọng trong thế trận phòng thủ chung của cả nước. Tự lực, độc lập phòng thủ bảo vệ địa phương mình, nhưng không phải là cô lập, đơn độc. Khi địch tiến công hay gây bạo loạn vũ trang ở một khu vực phòng thủ nào, thì lực lượng của các khu vực phòng thủ kế cận cần chi viện cho khu vực phòng thủ bị tiến công. Khi địch tiến công qua khu vực phòng thủ phía trước, tiến vào các khu vực phòng thủ khác, thì lực lượng vũ trang khu vực phòng thủ mà địch đã vượt qua sẽ là mũi phối hợp quan trọng đánh vào sau lưng hay hai bên sườn quân địch.

Tôi cho rằng trong thời bình ta tiếp tục xây dựng các tỉnh (thành) thành khu phòng thủ vững chắc thì không những có tác dụng đề phòng chiến tranh lớn xảy ra sau này, mà còn có thể đối phó với mọi tình huống phức tạp trong thời bình.

Đồng chí Lê Đức Anh đã đề ra chủ trương phát huy sức mạnh của các lực lượng vũ trang địa phương để tự lực bảo vệ địa phương mình, rút các đơn vị chủ lực về làm lực lượng cơ động của Bộ. Từ đó có thể giảm được một bộ phận chủ lực và tiến hành giảm được hơn một nửa tổng quân số lúc cao nhất.

Nhờ việc giảm được tỷ lệ rất đáng kể số quân thường trực, nên đã giảm được ngân sách Nhà nước chi cho quốc phòng, đồng thời cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội. Giảm số lượng để nâng cao chất lượng bộ đội. vị Đồng chí Lê Đức Anh còn chủ trương để lại một số khu vực đất đai quốc phòng cần thiết làm doanh trại, trường bắn, kho xưởng, v.v. , giao phần lớn đất đai quốc phòng cho Nhà nước, giữ lại những khu vực nhỏ ở từng vùng, từng đơn vị cấp cho cán bộ tự xây dựng nhà ở, tạo điều kiện cho cán bộ qua thời gian dài chiến tranh được đoàn tụ gia đình. Tuy cá biệt có đơn vị, cá nhân sử dụng đất đai chưa hợp lý, chưa tiết kiệm, nhưng nói chung đời sống cán bộ được nâng cao, phù hợp với chính sách ưu đãi của Đảng đối với người có công với cách mạng, với quân đội.

Thực hiện cuộc “điều chuyển chiến lược”, đồng chí Lê Đức Anh đã đề ra một chủ trương mà trước đây tôi phụ trách làm kế hoạch chưa suy nghĩ tới, là điều một bộ phận dự bị chiến lược từ phía Bắc vào phía Nam. Những đơn vị từ cấp trung đoàn đến cấp quân đoàn vừa mới xây dựng được cơ sở doanh trại khá khang trang, cán bộ chiến sĩ hầu hết là người miền Bắc, nay điều động vào Tây Nguyên. Một cuộc hành quân đường dài, cơ động bằng cơ giới, vào nơi ở mới lại bắt tay từ đầu xây dựng cơ sở đóng quân ở vùng rừng núi đã gặp nhiều khó khăn phức tạp. Mặt khác, cán bộ chiến sĩ qua chiến tranh lâu dài không được gần vợ con, nay mới được gần nhà trong một thời gian rất ngắn, lại phải đi xa, nên việc lãnh đạo tư tưởng và công tác chính trị cũng không đơn giản.

Ngoài ra còn thực hiện điều chỉnh lại địa bàn đứng chân và hoạt động của các đơn vị của Quân chủng Phòng không, Không quân; cụ thể là điều động một số đơn vị từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam, với phương tiện kỹ thuật hiện đại và cơ sở bảo đảm hậu cần kỹ thuật rất phức tạp. Bố trí lại lực lượng khu vực quần đảo Trường Sa để tăng cường phòng thủ bảo vệ quần đảo và vùng biển của Tổ quốc. Trước khi thực hiện cuộc điều chỉnh lực lượng từ biên giới phía Bắc dãn về sau, đồng chí Lê Đức Anh đã lên tận các chốt biên giới Thanh Thủy, Vị Xuyên (Hà Giang), chỉ thị các chốt ta ngừng đánh trả địch mà tiến hành địch vận là chính. Từ đó, ta chủ động rút bỏ một số chất tiếp cận đối phương về phía sau, cho nên đối phương cũng phải dần dần đình chỉ bắn pháo sang đất ta, và cũng rút dần các chốt cắm trên đất ta. Vừa tiến hành gọi loa địch vận, vừa có những cuộc tiếp xúc ở các cấp, tạo không khí hoà hoãn dần là dấu hiệu khởi đầu cho sự bình thường hoá giữa hai nước.

Việc điều chỉnh các đơn vị chiến đấu áp sát biên giới dãn ra phía sau; đặc biệt điều động một bộ phận dự bị chiến lược về đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên, đề phòng những sự cố có thể xảy ra trong vùng chiến lược xung yếu này và sẵn sàng cơ động xuống vùng bờ biển miền Trung là một chủ trương rất quan trọng, vừa có ý nghĩa về chiến lược quân sự, vừa có ý nghĩa về chính trị, ngoại giao; tạo điều kiện để bình thường hoá quan hệ và tiếp tục củng cố, tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt - Trung. Đồng thời, ta bàn thống nhất với các đồng chí lãnh đạo ở hai nước bạn Lào và Campuchia để rút hết quân tình nguyện Việt Nam về nước vào cuối năm 1989.

Trước khi thực hiện chủ trương trên, đồng chí Lê Đức Anh rất thận trọng, cân nhắc kỹ, giao cho tôi báo cáo với các đồng chí Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân và một số đồng chí trong Bộ Chính trị. Được sự nhất trí hoàn toàn, mới hạ quyết tâm thực hiện cuộc điều chỉnh chiến lược đó. Đây là một thành công lớn trong việc thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng về quân sự, xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, như đã đề ra trong Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII.

Sách Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước!

Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh