Quay lại

Đại tướng Lê Đức Anh - Những đề xuất mang tầm chiến lược

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã xuất hiện những cán bộ lãnh đạo xuất sắc của cách mạng, những tướng lĩnh tài ba, song toàn cả về chính trị và quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong số đó, có những con người mà phẩm chất, bản lĩnh và tư duy ở tầm chiến lược của họ đã góp phần làm "xoay chuyển tình thế", đưa cách mạng Việt Nam vượt qua khó khăn, tiến lên giành được những thắng lợi to lớn. Đại tướng Lê Đức Anh là một trong những người như thế.


1. Ba chiến dịch làm xoay chuyển tình thế khó khăn

Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Lê Đức Anh trải qua hàng trăm trận đánh, trong đó có ba chiến dịch lớn do ông đề xuất ý tưởng tác chiến, trực tiếp chỉ huy giành thắng lợi, làm thay đổi cục diện chiến trường.

Chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Junction City của Mỹ và quân đội Sài Gòn (1967)

Năm 1965, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ bị phá sản. Chính phủ của Tổng thống Johnson quyết định tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, đưa 18.000 quân Mỹ và quân Đồng minh vào miền Nam Việt Nam thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Tháng 2/1967, Mỹ huy động 45.000 quân, tổ chức cuộc hành quân Junction City nhằm tiêu diệt quân chủ lực và cơ quan lãnh đạo kháng chiến của ta ở Chiến khu Dương Minh Châu (Bắc Tây Ninh).

Được giao chỉ huy lực lượng tại chỗ đánh địch, đồng chí Lê Đức Anh đã có từ duy hết sức độc đáo, sáng tạo: Tạo thế chiến tranh nhân dân trên một địa bàn không có dân. Với quân số chiến đấu tại chỗ khoảng 10.000 người (trong đó có 5.000 cán bộ, nhân viên cơ quan quân - dân - chính), đồng chí Lê Đức Anh đã tổ chức các “ấp đội”, “xã đội” và “huyện đội” chiến đấu. Bộ đội vừa khẩn trương xây dựng trận địa, vừa tích cực huấn luyện kỹ, chiến thuật. Cách tổ chức thế trận “Chiến tranh nhân dân trên một địa bàn không có dân” là một bất ngờ lớn đối với quân địch. Ta vừa vô hiệu hóa ý đồ phân tuyến của địch, hạn chế đến mức tối đa uy lực phi pháo của chúng, vừa thực hiện phân tán, căng kéo lực lượng địch, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực tập trung đánh những đòn mạnh vào bên sườn và phía sau đội hình quân địch. Sau 52 ngày đêm chiến đấu ác liệt, ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 14.000 tên địch (chủ yếu là quân Mỹ); phá hủy 992 xe quân sự, 112 khẩu pháo, bắn rơi và phá hủy 160 máy bay, đánh thiệt hại nặng nhiều đơn vị tinh nhuệ của Mỹ, bảo vệ được căn cứ kháng chiến của ta.

Chống chiến dịch “ Tràn ngập lãnh thổ ” của địch

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết. Trên chiến trường miền Nam, bộ đội ta, sau nhiều ngày tháng chiến đấu ác liệt, căng thẳng, xuất hiện tư tưởng muốn tranh thủ nghỉ ngơi; mặt khác, có quan điểm cho rằng nếu nổ súng sẽ vi phạm Hiệp định, quân Mỹ đang rút về nước sẽ lấy cớ quay trở lại miền Nam Việt Nam. Trong khi đó, Tổng thống chính quyền Sài Gòn lớn tiếng tuyên bố: “Ngưng chiến không ngừng bắn. Không thi hành Hiệp định Paris!” và ráo riết đôn quân, lấn đất, giành dân, tiến hành chiến dịch “Tràn ngập lãnh thổ”. Riêng trên địa bàn Quân khu 9, hai đồng chí Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt cùng Đảng ủy Quân khu vẫn kiên quyết lãnh đạo và chỉ huy quân, dân đồng bằng sông Cửu Long phát huy sức mạnh của ba thứ quân, hiệp đồng chặt chẽ trong việc kết hợp ba mũi giáp công (quân sự - chính trị - binh, địch vận) liên tục tổ chức chiến đấu, đánh bại các đợt gần 800.000 dân và nhiều vùng đất rộng tiến công “Tràn ngập lãnh thổ” của 75 tiểu đoàn quân địch, giải phóng hơn 400 ấp với lớn. Tình hình trở nên phức tạp khi ngay trong Bộ Chỉ huy Miền có quan điểm cho rằng Quân khu 9 đã “xé rào”, vi phạm Hiệp định Paris và đề nghị đưa đồng chí Lê Đức Anh ra Tòa án binh... Đúng lúc đó, đồng chí Lê Duẩn và Bộ Chính trị có điện, lần lượt gọi hai đồng chí Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh ra Trung ương báo cáo. Sau khi nghe hai đồng chí báo cáo tình hình, Trung ương đã biểu dương và phát động toàn chiến trường học tập Khu 9, kiên quyết tiến công trừng trị quân địch lấn chiếm, vi phạm Hiệp định Paris. Ngay sau đó, đồng chí Lê Đức Anh được Đảng và Nhà nước thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.

Chiến dịch giải phóng Phước Long

Năm 1974, được giao đảm nhiệm cương vị Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng chí Lê Đức Anh khẩn trương chỉ đạo xây dựng Kế hoạch tác chiến mùa khô 1974 - 1975. Đồng chí đề xuất tổ chức hai hướng tiến công: Một là, bao vây và đánh địch ở núi Bà Đen (Tây Ninh) nhằm căng kéo và thu hút Sư đoàn 25 địch từ Củ Chi tới Gò Vấp để nới lỏng và giải tỏa một phần lực lượng địch trên tuyến vành đai bảo vệ Sài Gòn; hai là, giải phóng Đường 14 từ Đồng Xoài lên giáp Quảng Đức để mở rộng căn cứ của Miền. Muốn mở Đường 14 thi phải diệt cho được mục tiêu chủ yếu là Căn cứ Đồng Xoài... Hội nghị Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền đã nhất trí cao với đề xuất của đồng chí Lê Đức Anh.

Bước vào thực hành tác chiến, khi quân ta nổ súng tiến công địch trên núi Bà Đen, lập tức Sư đoàn 25 địch vội vàng lên ứng cứu đúng như nhận định của đồng chí Lê Đức Anh. Trên hướng thứ hai, khi ta tiến công Chị khu Đồng Xoài, bộ phận đặc công của Sư đoàn 7 (do đồng chí Lê Nam Phong làm Sư đoàn trưởng) gỡ gần xong hàng rào thì cấp trên có lệnh: Không đánh Đồng Xoài trước. Nhận chỉ thị của trên, đồng chí Lê Đức Anh lệnh mở xong hàng rào thì cài lại, đánh dấu vị trí cửa mở, giữ nguyên lực lượng lui ra bao vây; sử dụng Trung đoàn 271 tăng cường tiến công Chi khu Bù Đăng. Đồng chí nói: “Đánh được Bù Đăng rồi thì ta sẽ đánh Đồng Xoài, như vậy không trái với chỉ thị của cấp trên”. Những ngày tiếp sau, quân ta liên tục đánh chiếm các vị trí Bù Đăng, Bù Na, Đồng Xoài, Bà Rá ... nhất là khi mất Đồng Xoài thì quân địch hoang mang, dao động lớn. Chớp thời cơ, đồng chí Lê Đức Anh chỉ huy các mũi nhanh chóng tiến công đánh chiếm tỉnh lỵ Phước Long. Sau 24 ngày đêm tiến công quyết liệt, ta tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh; giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long với hơn 500.000 dân. Chiến thắng Đường 14 - Đồng Xoài - Phước Long đã làm nức lòng quân - dân cả nước, được đánh giá là “đòn trinh sát chiến lược đắt giá” vì lần đầu tiên ta giải phóng hoàn toàn một tỉnh mà quân đội Sài Gòn phản kích yếu ớt, còn quân Mỹ (đã rút theo Hiệp định Paris) không dám quay trở lại.
 

2. Đề xuất, tổ chức thực hiện điều chỉnh bố trí chiến lược, giảm quân số thường trực gắn với nâng cao mức sống cho bộ đội

Ngày 7/12/1986, đồng chí Lê Đức Anh được bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngay sau đó, đồng chí lên thị sát dọc biên giới phía Bắc. Trở về Hà Nội, đồng chí báo cáo với đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ba vấn đề: Một là, hiện ta đưa hết chủ lực lên áp sát đường biên, bố trí đội hình như này là sợ địch chứ không phải bố trí để đánh thắng; hơn nữa, Tây Nguyên đang để trống, lực lượng giữ biển đảo rất mỏng, như vậy rất nguy hiểm; ta phải bố trí lại đội hình phòng thủ biên giới, có chiều sâu vững chắc hơn; hai là, đời sống bộ đội trên vùng biên rất kham khổ, nên đã phát sinh vi phạm kỷ luật dân vận, nhiều cán bộ chỉ báo cáo phần tốt, còn khuyết điểm thì giấu nhẹm; ba là, thăm dò thì “lính đối phương chỉ lên trời ”, có nghĩa là cấp trên lệnh thì họ bắn, chứ họ không muốn đánh nhau. Đồng tiền ta đang mất giá vì lạm phát, đời sống bộ đội rất khó khăn trong khi ngân sách quốc phòng đang là gánh nặng cho nền kinh tế vốn đang suy kiệt... Để tháo gỡ tình hình này, phải giảm quân số và điều chỉnh lại thế bố trí chiến lược. Ý kiến này được các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Nguyễn Văn Linh cho là xác đáng, nhưng lưu ý phải cân nhắc và tính toán thận trọng.

Cuối tháng 12/1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí Lê Đức Anh được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị; sau đó được bổ nhiệm Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Cuối tháng 2/1987, cuộc họp “Bộ Chính trị hẹp” hai ngày đã diễn ra tại Nhà Con Rồng - Sở Chỉ huy Bộ Quốc phòng. Tại Hội nghị, đồng chí Bộ trưởng Lê Đức Anh đã báo cáo tình hình Quân đội, tình hình biên giới phía Bắc; đồng thời đề xuất bố trí lại đội - hình, thế trận phòng thủ và cải thiện đời sống cho bộ đội. Đề xuất của đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh được Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhất trí thông qua.

Điều chỉnh bố trí chiến lược

Với cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Lê Đức Anh bắt đầu thực hiện điều chỉnh bố trí chiến lược với tư tưởng chủ đạo là: “Bất cứ thế lực nào muốn thôn tính Việt Nam thì phải đánh lâu dài, không thể đánh thắng ta ngay tức khắc”. Bước đầu điều chỉnh sơ bộ trên tuyến biên giới, đưa bộ đội địa phương và dân quân du kích lên tuyến một, các đơn vị chủ lực lui xuống tuyến hai để thế trận phòng thủ có chiều sâu. Đến khi quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có những dấu hiệu tích cực thì tiến hành điều chỉnh lớn và cơ bản. Cùng với việc điều chỉnh bố trí các đơn vị của các quân khu, các quân chủng, binh chủng kỹ thuật; cơ cấu biên chế tổ chức và nhiệm vụ chức năng các học viện, nhà trường trong toàn quân cũng được điều chỉnh thích hợp.

Giảm quân số thường trực gắn với nâng cao mức sống cho bộ đội

Ý tưởng giảm quân số thường trực được cả hai đồng chí Lê Đức Anh và Nguyễn Văn Linh nung nấu từ trước, nhưng đến thời điểm này mới đủ điều kiện thực hiện. Bởi, không thể kéo dài tình trạng ngân sách quốc phòng chiếm 25 % tổng thu nhập quốc dân (chưa tính đến trang bị), trong khi nền kinh tế đang trong tình trạng suy kiệt và khủng hoảng trầm trọng, lạm phát tới 774,7 %. Giảm quân số thường trực làm nhẹ gánh nặng chi phí quốc phòng là trực tiếp góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước mà Đảng ta khởi xướng. Lúc này Bộ Chính trị không đặt ra mức giảm bao nhiêu mà giao “Bộ Quốc phòng cứ tính toán làm sao cho vừa”. Đồng chí Lê Đức Anh đưa ra con số giảm trên 60 % số quân thường trực và xin từ 15 % đến 18 % ngân sách thu trong nước chứ không phải tổng thu ngân sách, càng không phải tổng thu nhập quốc dân. Được sự nhất trí của Bộ Chính trị, đồng chí Lê Đức Anh khẩn trương chỉ đạo các cơ quan Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch và lộ trình cắt giảm quân số, nhưng đảm bảo sức mạnh được tăng cường. Vấn đề gánh nặng ngân sách quốc phòng được giải quyết một cách cơ bản. Đi đối với việc giảm quân số, giảm ngân sách quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh đề nghị với Đảng và Nhà nước có chính sách cụ thể để cải thiện đời sống cho bộ đội và giải quyết việc làm cho số quân nhân phục viên do giảm quân thường trực.

Tổ chức phòng thủ biển, đảo

Đồng chí Lê Đức Anh từng tâm sự: “Biên giới phía Bắc nóng bỏng vậy mà tôi chỉ đi thị sát được hai lần, trong khi tôi ra Trường Sa và vô Cam Ranh tới bốn lần vì tôi nhận rõ việc phòng thủ biển, đảo đang nổi lên hai vấn đề cấp thiết, đó là: Phải hoàn thiện việc bố trí lực lượng trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và tìm cách thu hồi sớm quân cảng Cam Ranh”. Ngay từ cuối tháng 2/1987, đồng chí Lê Đức Anh chỉ thị cho Quân chủng Hải quân đưa lực lượng ra đóng giữ bãi đá ngầm Thuyền Chài, đồng thời trình Trung ương kế hoạch giữ đảo. Đồng chí đề nghị Trung ương cho kinh phí và vật tư để bộ đội công binh hải quân thi công các chất và nhà giàn ở những đảo chìm, nổi theo thủy triều. Ngày 20/3/1987, đề nghị trên được Ban Bí thư phê chuẩn; ngày 9/4/1987, Hội đồng Bộ trưởng nhất trí giải quyết vật tư, tài chính cho công việc này.
 

3. Đề xuất giúp Việt Nam khẳng định, nâng cao vị thế trên trường quốc tế

Cũng trong cuộc họp “Bộ Chính trị hẹp” diễn ra cuối tháng 12/1986 tại Nhà Con Rồng - Sở Chỉ huy Bộ Quốc phòng, đồng chí Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh đã nêu những suy nghĩ của mình về Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô, các nước ASEAN và đề nghị Việt Nam cần gia nhập ASEAN để nâng cao tinh thần độc lập, tự chủ, làm cho quốc tế cảm thấy Việt Nam không lệ thuộc vào nước lớn. Những nội dung trên được Hội nghị bàn bạc, thống nhất, trở thành chủ trương lớn của Bộ Chính trị Trung ương Đảng: Xúc tiến thăm dò và tích cực hoạt động ngoại giao để triệt tiêu sự đối đầu căng thẳng và tiến tới bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, phá thế bao vây cấm vận của Mỹ; tích cực hoạt động ngoại giao để gia nhập ASEAN...

Đề xuất thu hồi, dân sự hóa quân cảng Cam Ranh

Sau khi báo cáo, được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Bộ Chính trị đồng ý , đồng chí Lê Đức Anh tới gặp và trao đổi với Trưởng đoàn Cố vấn Liên Xô, đề nghị Bạn không đưa vũ khí hạt nhân và các phương tiện mang đầu đạn hạt nhân vào quân cảng Cam Ranh. Ngay sau đó, ta ký với các nước ASEAN thỏa thuận “Khu vực Đông Nam Á là khu vực phí hạt nhân, không có vũ khí hạt nhân”, được dư luận thế giới hoan nghênh. Khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô sụp Nga tiếp tục duy trì sự có mặt ở Cam Ranh, nhưng hoạt động quân sự giảm dần. Ta đàm thoại kiên trì, khôn khéo để Nga đồng ý rút khỏi Cam Ranh trước thời hạn 4 năm. Sau đó, một số nước lớn, kể cả Mỹ, có thông qua vài nước ASEAN môi giới để thuê lại cảng Cam Ranh với giá cao, nhưng ta đều từ chối. Việc làm này của ta đã tạo thuận lợi trong thực hiện chủ trương tiến tới bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Mỹ và gia nhập ASEAN.

Tiến tới bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

Được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ, tháng 3/1987, đồng chí Lê Đức Anh vào Thành phố Hồ Chí Minh, phối hợp với Ban Hoa vận của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức gặp đại diện bà con Hoa kiều ở Chợ Lớn. Sau đó, đồng chí ra Hà Nội, mời Đại sứ Trung Quốc tới Nhà khách Bộ Quốc phòng dùng cơm và trao đổi. Tại hai cuộc tiếp xúc nói trên, đồng chí Lê Đức Anh khẳng định sự giúp đỡ chí tình và hiệu quả của Đảng, Chính phủ và Nhân dân Trung Quốc nói chung, sự đóng góp trực tiếp của bà con Hoa kiều tại Sài Gòn nói riêng cho hai cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc là truyền thống tốt đẹp, bền vững và lâu dài. Chúng ta cần có ý kiến để lãnh đạo hai bên khôi phục tình hữu nghị trở lại tốt đẹp như xưa. Sau đó, trong chuyến đi thăm Singapore (7/1990), Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đã “đánh tiếng”: “Sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Việt Nam”. Cuối tháng 7/1991, Bộ Chính trị cử đồng chí Lê Đức Anh làm phái viên của Bộ Chính trị sang bàn bạc những vấn đề cụ thể việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Tiếp đó, từ ngày 5 đến ngày 10/11/1991, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu sang thăm
chính thức Trung Quốc. Hai bên ra Thông cáo chung và ký kết Hiệp định chính thức quan hệ bình thường giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, đồng thời ký kết cả quan hệ bình thường giữa hai Đảng, khép lại 15 năm đối đầu căng thẳng.

Tiến tới bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Mỹ và gia nhập ASEAN

Đồng chí Lê Đức Anh đề xuất chọn con đường tiếp cận từ hoạt động khoa học để bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ: Cử Thiếu tướng, bác sĩ Nguyễn Huy Phan, giáo sư đầu ngành y học phẫu thuật chỉnh hình, đi Mỹ trao đổi về nghiệp vụ, mời đoàn bác sĩ Mỹ trong tổ chức “Phẫu thuật nụ cười” sang nước ta. Sau bước mở đầu thành công bằng con đường khoa học, bước tiếp theo, ta tạo thuận lợi cho phía Mỹ trở lại Việt Nam tìm người Mỹ mất tích và hài cốt lính Mỹ chết trong chiến tranh (gọi tắt là POW và MIA). Từ ngày 16 đến ngày 21/11/1992, Chính phủ Mỹ cứ tiếp một đoàn do Thượng nghị sỹ John Kerry dẫn đầu sang Việt Nam. Ngày 18/11/1992, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lê Đức Anh tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi POW/MIA là vấn đề thuần túy nhân đạo; Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ thực hiện các thỏa thuận giữa hai chính phủ và mong hai bên tích cực hợp tác giải quyết sớm vấn đề này. Tháng 4/1991, Mỹ mở văn phòng tại Hà Nội liên quan đến vấn đề MIA. Tháng 2/1992, thành lập Lực lượng đặc nhiệm tìm kiếm hỗn hợp về MIA. Tháng 7/1993, Tổng thống Mỹ Bill Clinton mở đường cho các tổ chức tài chính
quốc tế bao gồm IMF và World Bank cung cấp tín dụng cho Việt Nam. Ngày 3/2/1994, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố chấm dứt lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm đối với Việt Nam. Ngày 12/7/1995, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và mở văn phòng liên lạc tại Washington và Hà Nội. Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN.

Đến đây, những mục tiêu lớn trong chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta đã hoàn tất: Tháo ngòi nổ, chấm dứt xung đột biên giới phía Bắc và bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; gỡ bao vây cấm vận và bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ; gia nhập ASEAN. Hoàn thành ba mục tiêu trên, không những Việt Nam đã thoát ra khỏi vòng xoáy của các nước lớn mà còn đưa vị thế của nước ta lên một tầm cao mới trên trường quốc tế.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tri ân, tưởng nhớ công lao của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Có thể khẳng định, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Lê Đức Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Với nhãn quan chính trị sắc sảo, nhạy bén, tư duy chiến lược của một nhà chính trị, quân sự tài ba, Đại tướng Lê Đức Anh đã có những quyết định quan trọng, kịp thời, chính xác, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, góp phần đưa cách mạng Việt Nam tạo chuyển biến thay đổi cục diện chiến lược, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
 

KHUẤT BIÊN HOÀ
Đại tá, nguyên Thư ký giúp việc của đồng chí Lê Đức Anh