Đại tướng Lê Đức Anh - Người góp phần to lớn vào đường lối đối ngoại của Việt Nam
“… Tôi may mắn được gặp ông Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư, ông cho biết: “Khi anh Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước thì ta thật sự mở rộng cửa quan hệ với nước ngoài. Chính phủ là cơ quan tổ chức thực hiện nên anh Võ Văn Kiệt đi nhiều, anh Lê Đức Anh cũng phải đi, nhưng tính toán kỹ lắm, đi đâu, ký kết cái gì, làm sao có hiệu quả mà lại tiết kiệm nhất. Đồng thời ta cũng mời và đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia và các đoàn khách quốc tế để họ ủng hộ Việt Nam về chính trị và kinh tế. Còn trong nước phải tính hai cái nữa- Đó là đổi mới về chính trị và đổi mới về quân sự. Về chính trị, ta thay đổi Hiến pháp 1992 để phù hợp với hoàn cảnh đổi mới. Về quân sự, chúng tôi đề nghị với Bộ Chính trị khó gì cũng phải quan tâm đến việc trang bị cho quân đội và công nghiệp quốc phòng.
Quan điểm đường lối, đối nội, đối ngoại trên các lĩnh vực đều vững vàng. Có thể nói thời kỳ này làm được nhiều việc lớn nhưng không có sai sót gì lớn lắm. Quan điểm giai cấp của Đảng và Nhà nước ở anh Lê Đức Anh rất vững vàng và rõ ràng. Anh nắm tình hình trong, ngoài nước và tình hình quân đội rất chắc nên xử lý rất đúng, chỉ đạo vừa sát sao vừa sắc sảo, quyết đoán...".
![]() Tổng thống Mỹ Bill Clinton và phu nhân đón tiếp Chủ tịch nước Việt Nam Lê Đức Anh và phu nhân tại Mỹ năm 1995. Ảnh tư liệu |
Về việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ, ông Lê Đức Anh cho biết: "… Tôi xin nói là tất cả những "việc lớn" của giai đoạn này, từ việc giảm quân số, giảm ngân sách quốc phòng, nâng cao đời sống quân đội, việc giải quyết về tiền và hàng để chống lạm phát, đến việc bình thường hóa với Mỹ và gia nhập ASEAN đều là sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Chính trị, nên khi triển khai cũng thuận lợi. Bây giờ ta mở đầu việc xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Mỹ bằng cách nào? Tôi cho rằng ta dùng ngành khoa học thì dễ thành công. Lúc này nếu ta chọn kinh tế làm mũi đột kích để quan hệ thì không được vì Mỹ là nước mạnh nhất, giàu nhất, còn ta thì đang quá nghèo; chọn chính trị thì càng khó, vậy chỉ có thể chọn con đường tiếp cận từ khoa học. Cân nhắc tính toán cuối cùng chọn anh Nguyễn Huy Phan, là giáo sư đầu ngành về y học phẫu thuật chỉnh hình làm "khâu đột phá". Anh Phan khi đi dự hội nghị quốc tế đã trình bày công trình "Phẫu thuật chỉnh hình" của mình được các nhà khoa học đánh giá rất cao, trong đó các nhà khoa học Mỹ có lời mời giáo sư Phan sang thăm Mỹ. Trước khi đi, tôi dặn anh Phan sang đó cứ làm về khoa học, đừng nói gì đến chính trị cả, vì anh làm tốt việc này là phục vụ nhân dân, phục vụ chính trị rồi, cứ đi mà làm. Sang đó, khi nghe được tin này, bà con Việt kiều, nhất là số trí thức họ cũng thấy vui và tự hào. Khi trao đổi, các nhà khoa học phẫu thuật Mỹ hỏi ta, ta mời họ sang làm phẫu thuật nhân đạo, trước hết là chữa cho trẻ em bị khuyết môi hở hàm ếch, họ đồng ý và cử đoàn bác sĩ "Phẫu thuật nụ cười" sang ta. Sau đó đưa anh Phan làm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Mỹ để làm "cầu nối" liên lạc. Tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị lúc đó là trong tiếp xúc quan hệ, ta làm sao không để họ tự ái là nước lớn mà thua ta, mà ta vẫn giữ được tinh thần độc lập dân tộc của ta...".
Bước tiếp theo là phái đoàn Thượng nghị sĩ Mỹ sang Việt Nam, nói với ta hợp tác về POW/MIA, tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Trong đó có một lần vào ngày 18-11-1992, khi tiếp đoàn do Thượng nghị sĩ John Kerry dẫn đầu, Chủ tịch Lê Đức Anh khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi việc tìm kiếm người Mỹ mất tích là vấn đề thuần túy nhân đạo, không hề gắn với chính trị; đã và sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ thực hiện thỏa thuận giữa hai Chính phủ để giải quyết xong sớm vấn đề này. Chủ tịch cho rằng việc sớm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ là phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, với hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Tại buổi tiếp, ông Kerry đã trao cho Chủ tịch bức thư của Tổng thống Bush (Bush bố) gửi cho Chủ tịch, đánh giá cao sự hợp tác của phía Việt Nam trong thời gian qua, bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới và khẳng định cam kết của Chính phủ Mỹ thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Đến tháng 7 năm 1993, Tổng thống Mỹ Clinton mở đường cho các tổ chức tài chính quốc tế bao gồm IMF và World Bank cung cấp tín dụng cho Việt Nam.
Ngày 3 tháng 2 năm 1994, Tổng thống Clinton tuyên bố chấm dứt lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm đối với Việt Nam.
Ngày 8 tháng 5 năm 1995, nhận lời mời của Tổng thống Pháp F.Mitơrrand, Chủ tịch Lê Đức Anh sang Cộng hòa Pháp dự "Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng phát xít". Tổng thống Pháp chiêu đãi các nguyên thủ quốc gia tại điện Elysée. Tại bữa cơm thân mật do Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Pháp mời riêng Chủ tịch Lê Đức Anh, khi ông Chủ tịch Thượng viện hỏi chân tình là Việt Nam có cần gì không, thì Chủ tịch trả lời “Chúng tôi cần tình hữu nghị!”.
Ngày 12 tháng 7 năm 1995, Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao và mở Văn phòng liên lạc tại Wasington và Hà Nội.
Từ ngày 22 đến 24 tháng 10 năm 1995, Chủ tịch Lê Đức Anh trở thành Nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam đặt chân tới đất Mỹ. Ông sang New York dự Lễ kỷ niệm 50 năm Liên hợp quốc. Trong bài phát biểu của mình, ông nói rõ "... Làm sao để trên thế giới xây dựng một tương lai không còn hận thù mà chỉ còn hợp tác hữu nghị giữa các dân tộc và các quốc gia”. Ông bảo, tuy mình là nước thắng trận, nhưng sang đó mình chào hỏi, tiếp xúc với thái độ khiêm tốn và đàng hoàng thì người ta quý. Phong cách và bài phát biểu của ông thật sự đã gây được mối thiện cảm và tiếng vang rất tốt tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Khi ông thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Liên hợp quốc phiên bản Trống đồng Đông Sơn thì họ đã để ở vị trí trang trọng. Sau đó, Tổng thống Mỹ Clinton đã mời cơm thân mật các nguyên thủ quốc gia. Tại đại tiệc, nguyên thủ các nước đã đến chúc rượu Chủ tịch Lê Đức Anh với thái độ chân tình và trọng thị. Trong ông bỗng trào dâng niềm xúc động với một ý thức lớn lao là biết bao mồ hôi xương máu của đồng bào và chiến sĩ đã đổ ra suốt ba mươi năm chiến tranh giải phóng đất nước, vượt qua biết bao gian nan thử thách ở chặng đường đầu tiên của sự nghiệp đổi mới đất nước vừa qua, thì mới có được ngày hôm nay. Dân tộc Việt Nam từ bùn đen nô lệ, từ chỗ không có tên trên bản đồ thế giới, nay đã sánh ngang hàng với các quốc gia và dân tộc trên thế giới, trong sự nể phục của bạn bè khắp năm châu...
Những tháng năm này ông đã cùng Bộ Chính trị chỉ đạo sát sao các Bộ, ngành để mở rộng quan hệ với các nước. Sau khi Mỹ xóa cấm vận và lập lại quan hệ bình thường với Việt Nam thì hàng loạt các quốc gia cũng đến với Việt Nam để tìm hiểu và hợp tác, đầu tư kinh tế và khoa học công nghệ. Có thể nói đây là nhiệm kỳ công tác đối ngoại của ta rất sôi nổi và phong phú.
Trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh đã thay mặt Nhà nước và nhân dân ta đi dự một số hội nghị quốc tế quan trọng, như: Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng chủ nghĩa phát xít tổ chức tại thủ đô Paris của Cộng hòa Pháp; Hội nghị cấp cao các nước Không liên kết lần thứ 11 tổ chức tại Cô-lôm-bô; Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên hợp quốc ở thành phố New York, Hoa Kỳ. Đây là những dịp tốt để gặp gỡ, trao đổi ý kiến trực tiếp với các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế nhằm tăng cường mối quan hệ song phương và đa phương của Đảng và Nhà nước ta. Chủ tịch Lê Đức Anh đã đi thăm hữu nghị chính thức và làm việc tại 13 nước trên thế giới; Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã đi thăm và làm việc tại 11 nước. Chủ tịch đã đón tiếp 26 nguyên thủ quốc gia thăm hữu nghị chính thức nước ta, nhiều đoàn khách quốc tế tới thăm Việt Nam; tiếp nhận 90 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài tại Việt Nam và cử 57 Đại sứ của Việt Nam tại các nước có quan hệ ngoại giao với nước ta. Theo đề nghị của Chính phủ, Chủ tịch đã ký quyết định phê chuẩn 1 Hiến chương, 26 Công ước, 5 Hiệp ước, 35 Hiệp định, 3 Nghị định thư giữa Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế; đã trình Quốc hội phê chuẩn 1 Công ước theo quy định của Hiến pháp (Công ước quốc tế về Luật biển) và đã ủy quyền đàm phán và ký kết một số điều ước quốc tế khác.
Khi người viết được tiếp cận các tập hồ sơ lưu trữ về các cuộc viếng thăm ngoại giao của Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã cảm nhận rõ một điều là mỗi cuộc đi đã được tổ chức hết sức chặt chẽ; là Nguyên thủ quốc gia nhưng ông đã tính toán rất sát sao; tiết kiệm từng giờ, từng đồng và từng người là thành viên trong đoàn; ông chỉ đi khi thấy thật sự cần thiết, và hiệu quả của chuyến đi đã thể hiện khá rõ ngay trên văn bản của hồ sơ lưu trữ. Những ngày tháng đó, mọi người dân Việt Nam rất phấn khởi và chăm chú theo dõi trên màn ảnh nhỏ chương trình thời sự với vị Chủ tịch nước của mình vóc dáng cao to chững chạc và nhân hậu trong các nghi lễ chính thức tại Phủ Chủ tịch. Hiệu quả của các văn bản ký kết và sự nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong lao động và tổ chức xã hội đã đưa nền kinh tế nước ta thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng và bắt đầu khởi sắc. Việt Nam đã và đang là bạn của các nước, các dân tộc trên thế giới. Và Đảng ta hoàn toàn yên tâm và tự tin khi hạ bút đặt trong nghị quyết về đường lối của mình dòng chữ “Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phấn đấu cho mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Khi bàn về gia nhập ASEAN, cũng có đồng chí băn khoăn là vào ASEAN liệu xem có lợi hay có hại, ta có bị họ lôi kéo không? Ông Lê Đức Anh nói: "Độc lập tự chủ của ta không phải nói suông mà là kết quả của quá trình đấu tranh gian khổ và hy sinh mới có được. Ta có thế mạnh về chính trị, nay ta vào với thiện chí tốt, đàng hoàng, thái độ thẳng thắn chân tình thì mình nói nhất định họ nghe. Khi Việt Nam đã vào, chắc chắn vị thế của ASEAN sẽ được nâng lên. Trong quan hệ, các nước lớn sẽ phải đối xử với ASEAN một cách nghiêm túc hơn..”. Chủ trương này Bộ Chính trị đã đồng ý. Sau những chuyến thăm các nước ASEAN của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã thực hiện cuộc đi thăm chính thức In-đô-nê-xi-a. Cuộc đi thăm đã đạt kết quả tốt đẹp, bạn In-đô-nê-xi-a rất ủng hộ Việt Nam. Tại đây ông đã gặp gỡ ngài Thư ký của Hiệp hội ASEAN; khi trao đổi, ông này cũng có ý mời Việt Nam vào. Chủ tịch Lê Đức Anh đã tỏ lời cảm ơn ngài Thư ký và nói rằng, chúng tôi về bàn bạc và sẽ vào ASEAN...".
KHUẤT BIÊN HÒA