Quay lại

Đại tướng Lê Đức Anh - Người chỉ huy tham mưu chiến lược xuất sắc của quân đội nhân dân Việt Nam

Đại tướng Lê Đức Anh là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế, người chỉ huy tham mưu chiến lược xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hơn 80 năm tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Đức Anh có gần 50 năm phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, đảm nhiệm nhiều trọng trách của quân đội, của Đảng, Nhà nước. Dù ở hoàn cảnh nào đồng chí cũng luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, đồng chí đã mang hết nhiệt huyết, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào những vấn đề lớn của đất nước. Những phẩm chất nổi bật của một nhà lãnh đạo xuất sắc ở đồng chí Lê Đức Anh được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, vấn đề lớn, nhất là trong những điều kiện, hoàn cảnh đặc biệt, thể hiện rõ phẩm chất của một nhà chỉ huy tham mưu chiến lược xuất sắc:

Đại tướng Lê Đức Anh, Lê Đức Anh

Một là, những chủ trương, đề xuất tham mưu chiến lược xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ

Trong hai cuộc kháng chiến, đồng chí trực tiếp chỉ huy các đơn vị chiến đấu trên nhiều cương vị, trong điều kiện vô vàn khó khăn ác liệt, song với tư chất người chỉ huy mưu trí, dũng cảm, kiên trung, tư duy quân sự tài ba, linh hoạt, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tháng 11/1949, đồng chí được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Đến tháng 01/1950, Bộ Tư lệnh Khu Sài Gòn - Chợ Lớn mở chiến dịch Bến Cát. Chiến dịch này, ngoài việc chỉ huy các đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị, đồng chí còn phát huy tốt trí tuệ tập thể, tìm ra cách đánh hay để chiến dịch giành thắng lợi. Từ sáng kiến về đánh tháp canh bê tông cốt thép của địch đạt hiệu quả, đồng chí đã động viên anh em sáng tạo cách đánh dùng đạn lõm bắn thủng lỗ ở thành tháp canh, sau đó lao gậy đầu buộc bộc phá qua lỗ thủng đó vào bên trong tiêu diệt địch. Hay vận dụng 2 cách đánh đồn bằng phương pháp sử dụng đạn lõm, bộc phá để tiêu diệt lô cốt đầu cầu; hoặc sử dụng 2 mũi đặc công cùng tiến hành mở 2 cửa mở cho trận đánh đồn, gọi là “cách đánh đặc công”. Nhờ vận dụng linh hoạt, sáng tạo cách đánh, Chiến dịch Bến Cát nhanh chóng giành thắng lợi, đánh dấu bước sáng tạo, trưởng thành của lực lượng vũ trang Khu 7, đưa phong trào kháng chiến của quân và dân miền Đông Nam Bộ phát triển. Tháng 12/1952, đồng chí Lê Đức Anh được mời ra Bắc báo cáo kinh nghiệm đánh đồn, tháp canh của địch, được gặp và báo cáo thành tích với Chủ tịch Hồ Chí Minh về đánh tháp canh và đồn địch của bộ đội Nam Bộ. Những kinh nghiệm này được tuyên truyền, phổ biến, vận dụng rộng rãi trên khắp chiến trường, góp phần quan trọng cùng nhân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến thắng lợi. 

Năm 1955, trên cương vị Cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu, đồng chí Lê Đức Anh được giao nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phòng thủ bờ biển từ Quảng Ninh vào Quảng Bình. Đây là công trình mới, công phu và rất khó vì chưa ai làm, chưa ai biết. Sau khi đi khảo sát ở nước bạn về, đồng chí chủ trì cuộc họp nghiên cứu vận dụng vào điều kiện địa hình Việt Nam và thống nhất các nội dung báo cáo Bộ. Được Bộ nhất trí, đồng chí tổ chức phổ biến, hướng dẫn các quân khu xây dựng công trình theo bản thiết kế phù hợp với cách đánh đã được Bộ phê duyệt và trực tiếp chỉ đạo Quân khu Tả ngạn và Quân khu Hữu ngạn khẩn trương xây dựng các công trình ở căn cứ chiến lược và công trình cho những cơ quan trọng yếu, công trình ở vùng biển đảo. Các công trình nhanh chóng hoàn thành đã phát huy tốt tác dụng trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc.

Đầu những năm 1960, cuộc kháng chiến ở miền Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi sự chi viện ngày càng nhiều từ hậu phương lớn. Tổng Tham mưu trưởng giao Cục Quân lực nghiên cứu tổ chức tăng cường vận tải đường bộ và đường thủy để chi viện cho miền Nam. Trên cương vị Cục trưởng Cục Quân lực, đồng chí chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai tổ chức lực lượng vận tải, mở cơ sở đóng tàu biển ở nước bạn. Sau một thời gian ngắn, tàu trọng tải 500 tấn đầu tiên hạ thủy, bổ sung vào “Đội tàu không số” theo đường Hồ Chí Minh trên biển, chi viện hiệu quả cho chiến trường miền Nam. Bên cạnh đó, đồng chí Lê Đức Anh còn chỉ đạo Cục Quân lực xây dựng hoàn chỉnh “Kế hoạch tổ chức trang bị và xây dựng cơ sở vật chất cho Quân đội (1961-1965)”, được Quân ủy Trung ương đánh giá cao. Nhờ sự nỗ lực cố gắng của Cục Quân lực, đến cuối năm 1963, Quân đội ta đã có bước trưởng thành về tổ chức biên chế. Các sư đoàn, lữ đoàn bộ binh, binh chủng của ta được trang bị tương đối hiện đại, khả năng cơ động, chiến đấu được nâng cao, góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc và đáp ứng yêu cầu mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Từ năm 1963-1966, đồng chí được điều động vào hoạt động ở Chiến trường B2 với cương vị là Tổng Tham mưu phó Quân đội nhân dân Việt Nam, kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Miền. Bộ Chỉ huy Miền giao đồng chí Lê Đức Anh tổ chức lực lượng tại chỗ đánh địch. Trên cơ sở nắm chắc tình hình, đồng chí đã chỉ huy cơ quan tổ chức các “ấp, xã chiến đấu”, địch chưa đến thì bung ra tìm địch mà đánh, bám địch mà diệt, tiêu hao địch rộng rãi, vừa chiến đấu, vừa bảo đảm phục vụ chiến đấu, bảo vệ cơ quan, kho tàng, duy trì sinh hoạt bình thường để đánh lâu dài. Mặt khác, đồng chí trực tiếp giao nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ đầu ngành trong cơ quan Bộ Chỉ huy Miền, mỗi ngành tổ chức thành một “huyện đội”, do chủ nhiệm ngành làm “huyện đội trưởng”. Trong đó, trận địa chiến đấu trên địa bàn một huyện có các “xã chiến đấu”, “ấp chiến đấu”: Từ 20 đến 30 người tổ chức thành một “ấp chiến đấu” và có một tiểu đội du kích; từ 2 đến 3 “ấp chiến đấu” thành 1 “xã chiến đấu”. Xã có 3 đội du kích, huyện có đại đội cơ động. Công sự đào hố cá nhân và giao thông hào là chủ yếu, không làm hầm kiên cố. Cứ 5 đến 10m đào một hố cá nhân. Các cơ quan, đơn vị phải đào hầm bí mật dự trữ 3 tháng lương thực, thực phẩm. Các cơ quan, đơn vị chủ động kiểm tra công tác chuẩn bị, bổ sung phương án chiến đấu và hiệp đồng tác chiến chặt chẽ… Với cách tổ chức chỉ huy chặt chẽ, khoa học, phù hợp của đồng chí Lê Đức Anh, các huyện trên địa bàn tác chiến không còn vùng trắng, đều được tổ chức đủ lực lượng “ấp”, “xã”, “huyện” chiến đấu. Bước vào chiến đấu, tinh thần chủ động “tìm Mỹ mà đánh, tìm Mỹ mà diệt” của anh em rất cao. Thông qua cách tổ chức lực lượng linh hoạt, khoa học đó, các đơn vị của Bộ Chỉ huy Miền đã tận dụng thế mạnh địa bàn, phát huy sức mạnh đánh bại cuộc hành quân Gianxơn Xiti của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn đánh chiến khu Dương Minh Châu ở Bắc Tây Ninh, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não và chủ lực của ta.

Năm 1967, thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về tổng công kích, tổng khởi nghĩa, đồng chí cùng Bộ Chỉ huy Miền nghiên cứu, đánh giá khả năng hành động của bộ đội, nổi dậy của quần chúng cũng như binh biến của quân đội, chính quyền Sài Gòn để xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các lực lượng làm tốt công tác chuẩn bị. Đến cuối năm 1967, địa bàn Quân khu 7 thiết lập được 19 “lõm” chính trị ngay sát những mục tiêu trọng yếu của địch, trong đó có 325 gia đình cơ sở, 400 điểm ém quân, 12 kho vũ khí. Với kỹ thuật ngụy trang mưu trí, các đơn vị đã vượt qua hệ thống kiểm soát, tuần tra dày đặc của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyển vào nội thành một khối lượng lớn vũ khí để chuẩn bị chiến đấu. Quá trình tác chiến, đồng chí Lê Đức Anh được giao chỉ huy bộ đội hướng Tây Sài Gòn (từ Long An đánh vào Tổng nha Cảnh sát và Cảnh sát Đô thành). Địa hình hướng này có nhiều vật cản, sình lầy, cơ động lực lượng khó khăn, nhưng đồng chí đã động viên anh em, phân công chỉ huy, tổ chức lực lượng chặt chẽ, vì thế, các đơn vị đã khắc phục vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968.

Cuối năm 1968, nhận thức của cán bộ, chiến sĩ Quân khu 9 về âm mưu, thủ đoạn của địch còn đơn giản, nhiều địa bàn đóng quân bị địch phản công chiếm đất, chiếm dân, các tổ chức quần chúng trên địa bàn không còn là chỗ dựa an toàn cho bộ đội hoạt động, phong trào cách mạng sa sút, trong khi địch tổ chức càn quét đánh phá ác liệt vào U Minh - cơ sở hoạt động cách mạng của ta. Đầu năm 1969, trên cương vị Tư lệnh Quân khu 9, đồng chí Lê Đức Anh quyết định Bộ Tư lệnh Quân khu bám trụ tại U Minh Thượng để tạo thế xen cài với địch, tiện chỉ huy hiệp đồng tác chiến. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, nắm chắc tình hình, chỉ huy cơ quan, đơn vị bám địa bàn, tập trung xây dựng và huấn luyện lực lượng, củng cố phong trào du kích, khôi phục lại cơ sở quần chúng cách mạng, đưa cán bộ đã ly hương trở lại địa bàn nắm quần chúng và lực lượng vũ trang để đánh địch. Chỉ đạo lực lượng du kích 10 xã thuộc các huyện: An Biên, Vĩnh Thuận, Rồng Giềng, Thới Bình... thực hiện đánh nhỏ lẻ tiêu hao sinh lực địch. Chỉ đạo các tỉnh trên địa bàn: Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh... phát huy lực lượng 3 mũi tại chỗ (quân sự, chính trị, binh vận) tích cực bao vây, tập tích, phục kích tiêu diệt địch. Những địa bàn bị địch chiếm đóng, việc bám trụ rất khó khăn, đồng chí Lê Đức Anh phân công cán bộ các đơn vị thuộc quyền bí mật cài cắm vào địa bàn thực hiện 3 bám: bám đất, bám dân, bám địch. Để giải quyết vấn đề thiếu đạn dược, nhất là đạn hỏa lực trong chiến đấu, đồng chí chỉ đạo bộ đội cùng nhân dân phát động phong trào dùng vũ khí tự tạo từ bom đạn lép và súng đạn thu được của địch, kết hợp sử dụng chiến thuật “đặc công hóa bộ binh” để tiêu diệt các ụ súng đầu cầu. Ngoài ra, mỗi tỉnh cử 1 tiểu đoàn, hằng ngày qua biên giới Campuchia gùi đạn về phục vụ chiến đấu. Đồng thời, thường xuyên bàn bạc thống nhất trong chỉ huy, phân công chỉ huy phụ trách trên từng hướng, từng địa bàn tác chiến, giúp đỡ các cơ quan, đơn vị giải quyết khó khăn, vướng mắc. Nhờ cách chỉ huy linh hoạt, năm 1971-1972, lực lượng dân quân du kích trên địa bàn Quân khu 9 tăng 50%, bộ đội địa phương cấp tỉnh, huyện tăng từ 20 đến 50%, hơn 1.000 ấp bị địch kìm kẹp đều có tổ chức đảng hoạt động, các đơn vị chủ lực của Quân khu 9 đứng vững trên địa bàn. Trước tình hình chiến trường Đông Dương đang giành nhiều thắng lợi, đồng chí chỉ huy Quân khu 9 mở đợt tiến công vào U Minh, tiêu diệt 4 chi khu, 2 yếu khu, 6 căn cứ trung đoàn, tiểu đoàn, phá hủy 916 đồn bốt, diệt 12.000 tên địch, giải phóng 400 ấp với gần 80 vạn dân2. Thắng lợi của lực lượng vũ trang Quân khu 9 làm thay đổi cục diện chiến trường, từ chỗ bị địch lấn chiếm gần hết đất, hết dân (chỉ còn khoảng 2.000 dân), quân và dân địa bàn đã chủ động tiêu diệt địch, mở rộng vùng giải phóng, tạo thế vững chắc để tiến công địch.

Đầu năm 1973, quân đội và chính quyền Sài Gòn ráo riết thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” cắm cờ giành đất, giành dân, lấy địa bàn Tây Nam Bộ làm trọng điểm, trước khi Hiệp định Pari có hiệu lực, hòng xóa thế trận chiến tranh nhân dân xen kẽ của ta, đẩy ta ra khỏi vùng đồng bằng đông dân. Trước thực tế đó, đồng chí báo cáo đề nghị Bộ Tư lệnh Miền và Trung ương về giải pháp đánh địch vi phạm Hiệp định, kiên quyết đánh trả các cuộc hành quân lấn chiếm của địch. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tư Lệnh và Chính ủy quân khu, lực lượng vũ trang Quân khu 9 đã đánh bại cuộc tiến công của 75 tiểu đoàn địch, giữ vững các trọng điểm, tạo thế và lực mới, xây dựng, củng cố mọi mặt. Trước quyết sách sáng tạo, đúng đắn đó, Trung ương Cục, Bộ Chỉ huy Miền đã chỉ đạo các lực lượng liên tục tiến công làm thất bại kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” của địch.

Năm 1974, với cương vị Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền, đồng chí Lê Đức Anh được giao nhiệm vụ tham gia chỉ đạo Chiến dịch Đường 14 - Phước Long. Sau 24 ngày chiến đấu tiến công, chiều ngày 06/01/1975, đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ huy các đơn vị Bộ Chỉ huy Miền làm chủ thị xã Phước Long, tiêu diệt và phá hủy nhiều lực lượng, phương tiện của địch, hoàn thành mục tiêu chiến dịch. Thắng lợi của chiến dịch này thực sự là “đòn trinh sát chiến lược”, khẳng định Mỹ khó lòng can thiệp trở lại đối với miền Nam khi chủ lực ta đánh lớn. Từ cơ sở đó, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định thông qua kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975, trên cương vị Phó Tư lệnh Chiến dịch, đồng chí được giao chỉ huy cánh quân Tây - Tây Nam. Đây là một trong những hướng có địa hình phức tạp, nhiều sông ngòi, kênh mương trong khi phương tiện vượt sông của ta còn hạn chế. Đồng chí chỉ đạo lực lượng đặc công bí mật chiếm giữ không cho địch phá những cây cầu trọng yếu trên đường vào Sài Gòn khi chúng rút lui; vận động nhân dân địa phương giúp đỡ làm đường, ủng hộ phương tiện vượt sông bảo đảm bí mật. Đồng thời, đồng chí tổ chức giao nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng, phân công chỉ huy hướng dẫn, giúp đỡ, giải quyết khó khăn cho các đơn vị. Nhờ đó, cánh quân do đồng chí chỉ huy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
 

Hai là, những chủ trương, đề xuất tham mưu chiến lược xuất sắc thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975-1992)

Sau ngày đất nước thống nhất, cùng với nhân dân cả nước khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, quân đội còn tập trung kiện toàn tổ chức lực lượng và điều chỉnh thế bố trí thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giai đoạn này, đất nước phải tiến hành cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Với tư duy một nhà chỉ huy tham mưu chiến lược trong quân đội, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc chức trách được giao. Năm 1977, quân phản động Pôn Pốt ở Campuchia tiến hành đổ bộ đánh chiếm đảo Phú Quốc, tiến công tuyến biên giới Tây Nam, thực hiện chính sách tàn bạo đối với nhân dân ta. Trên cương vị Tư lệnh Quân khu 9, đồng chí chỉ huy các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương khẩn trương sẵn sàng chiến đấu, xây dựng các tiểu đoàn chiến đấu mạnh, chuyển các tiểu đoàn khung huấn luyện thành tiểu đoàn đủ quân. Mỗi tỉnh tổ chức 1 đại đội pháo, 1 đại đội biên phòng; mỗi huyện tổ chức 1 đại đội dân quân du kích; mỗi xã tổ chức 1 đến 2 tiểu đội du kích tập trung. Thực hiện sự chỉ đạo của trên, đồng chí chỉ huy các đơn vị đánh địch xâm phạm biên giới (An Giang, Kiên Giang), bảo vệ nhân dân. Đồng chí chỉ đạo các đơn vị này vừa chiến đấu, vừa xây dựng huấn luyện bổ sung quân số tại chỗ, lấy thêm các tiểu đoàn địa phương phía sau lên tăng cường cho tuyến biên giới, làm tốt công tác tư tưởng, khắc phục khó khăn nâng cao sức chiến đấu cho bộ đội. Nắm chắc tình hình, đồng chí đã chỉ huy các lực lượng tổ chức phản công tiêu diệt địch trên toàn tuyến biên giới, giành lại thế chủ động, khôi phục lại địa bàn, đẩy địch về bên kia biên giới.

Tháng 6/1978, sau khi được bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7 và kiêm Chỉ huy trưởng tiền phương Bộ Quốc phòng, thực hiện chủ trương của Đảng, đồng chí Lê Đức Anh chỉ huy các đơn vị thuộc quyền vừa tiến công địch trên tuyến biên giới giành thắng lợi, vừa giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Nhờ đó, tháng 12/1978, bạn đã xây dựng được 21 tiểu đoàn, 5 đại đội, 69 đội vũ trang tuyên truyền, đánh dấu sự phát triển bước đầu của bạn.
 

Ba là, những chủ trương, đề xuất tham mưu chiến lược xuất sắc trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xary, hồi sinh dân tộc Campuchia

Từ năm 1979 đến năm 1984, là Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; Trưởng ban Lãnh đạo đoàn chuyên gia giúp Campuchia, đồng chí đã quán triệt nghiêm túc đường lối đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam “giúp bạn tức là tự giúp mình”. Đồng chí chuẩn bị chu đáo mọi mặt trong các cuộc tiếp xúc với nước bạn, coi trọng công tác chuyên gia, chỉ đạo bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần và phát huy trình độ, kiến thức, kinh nghiệm của đội ngũ này. Trên cương vị Tư lệnh Mặt trận 719, đồng chí ra chỉ thị “Xây dựng kỷ cương xã hội Campuchia thật nhanh chóng là yêu cầu cấp thiết, tuyệt đối không để tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ, mất chính quyền xảy ra”. Bên cạnh việc truy quét tàn quân Pôn Pốt, đồng chí yêu cầu Quân tình nguyện phải trực tiếp tham gia quản lý trật tự xã hội với biện pháp quan trọng hàng đầu: “Quân tình nguyện phải làm gương”. Đồng chí đã ra những chỉ thị rất nghiêm khắc, quyết liệt để thắt chặt kỷ luật quân đội, coi “kỷ luật dân vận” là “kỷ luật sắt chiến trường”. Bộ đội tình nguyện không được tơ hào dù là cây kim, sợi chỉ của dân, không được động chạm đồ thờ cúng, xâm hại đền, chùa, miếu mạo, tự do tín ngưỡng, không được hủy hoại môi trường, các cấp phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện kỷ luật... Kết quả hoạt động đối ngoại của đồng chí đã góp phần tích cực vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị quốc tế Việt Nam - Campuchia.
 

Bốn là, những chủ trương, đề xuất tham mưu chiến lược xuất sắc thời kỳ đổi mới đất nước, tăng cường hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

Đây là thời kỳ tình hình thế giới và đất nước có nhiều biến động lớn, đòi hỏi phải có những quyết sách lớn, đúng đắn, phù hợp để đưa đất nước phát triển. Năm 1986, trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí thị sát nắm chắc tình hình biên giới, nhất là những đơn vị thuộc 6 tỉnh phía Bắc, kịp thời tham mưu cho trên điều chỉnh lực lượng, bố trí thế trận phòng thủ chiến lược phù hợp trên từng hướng, bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc. Đồng thời, tham mưu cho Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng điều chỉnh tổ chức biên chế, giảm quân số các cơ quan, đơn vị quân đội để giảm bớt gánh nặng chi phí quốc phòng trong điều kiện khủng hoảng kinh tế.

Từ năm 1987 đến tháng 9/1992, với cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Lê Đức Anh có những chỉ đạo chiến lược xuất sắc. Đồng chí trực tiếp nhiều lần đi thị sát tình hình biên giới, hải đảo để có cơ sở thực tiễn và lý luận cho những đề xuất của mình. Với nhãn quan nhạy bén của nhà tham mưu chiến lược xuất sắc, đồng chí đã đề xuất giảm quân số thường trực, bố trí lại lực lượng quân đội. Để đảm bảo cho đề xuất tham mưu chiến lược đó, đồng chí Lê Đức Anh trực tiếp gặp gỡ, trình bày, báo cáo xin ý kiến của nhiều đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta. Việc giảm quân số, bố trí thế chiến lược của quân đội là vấn đề vô cùng hệ trọng, liên quan mật thiết đến vận mệnh đất nước, không được phép sai lầm. Quân số lớn đòi hỏi ngân sách chi tiêu cho quốc phòng lớn, trong khi đất nước đang khó khăn, yêu cầu của công cuộc đổi mới cần sự đầu tư trong nhiều lĩnh vực. Căn cứ tình hình cụ thể, đồng chí chủ động đề xuất giảm trên 60% quân số thường trực, đề nghị ngân sách quốc phòng từ 15% đến 18%, đầu tiên là tổng ngân sách, tiến tới là ngân sách thu trong nước. Với bản lĩnh, tầm nhìn chiến lược của một vị tướng trận mạc, cùng những luận cứ vững chắc, lập luận sắc sảo, những đề xuất của đồng chí đã được hội nghị Bộ Chính trị đồng ý. Theo đó, quân đội được xây dựng theo hướng tinh, gọn, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu cao, lực lượng vũ trang được cắt giảm bớt để tập trung cho phát triển đất nước; chiến lược phòng thủ đất nước trong tình hình mới được điều chỉnh để phù hợp, bảo đảm sức mạnh chiến đấu để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ đạo rút các đơn vị chủ lực trên tuyến 1 biên giới về tuyến 2; điều động Quân đoàn 3 vào đứng chân và phối hợp với lực lượng vũ trang Quân khu 5 bảo vệ địa bàn Tây Nguyên, bố trí lại đội hình lực lượng các quân binh chủng thích hợp hơn, chú trọng tăng cường phòng thủ biển đảo. Cùng với việc giảm quân số, chi tiêu ngân sách cho quốc phòng cũng giảm đáng kể so với trước. Cùng với đề xuất giảm quân số thường trực và ngân sách quốc phòng, đồng chí Lê Đức Anh cùng với tập thể Quân ủy Trung ương đề xuất với Bộ Chính trị các giải pháp giải quyết chính sách cải thiện đời sống cán bộ, chiến sĩ, tại ngũ (nâng mặt bằng tiền lương của sĩ quan quân đội và người hưởng lương lên hệ số 1,5; tạo điều kiện về nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ), giải quyết việc làm cho số xuất ngũ, kiến nghị với các bộ ngành ưu tiên giải quyết xuất khẩu lao động đối với số anh chị em là bộ đội diện giảm quân số.

Một điểm nổi bật về tham mưu chiến lược của đồng chí Lê Đức Anh thời gian này đối với Đảng và Nhà nước, đó là: Đề xuất đổi mới tư duy trong lĩnh vực quân sự quốc phòng theo đường lối đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986). Đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ đạo các cơ quan Bộ Quốc phòng triển khai kế hoạch điều chỉnh bố trí chiến lược, giảm quân số đồng thời với việc triển khai đề án “Thế trận chiến tranh nhân dân” thực hiện nhiệm vụ “quốc phòng toàn dân” làm cơ sở lý luận và thực tiễn để từ đó tham mưu cho Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 02-NQ/TW Về xác định nhiệm vụ quốc phòng đến năm 1990 và những năm tiếp theo. Nhờ thực hiện Nghị quyết này, chúng ta đã huy động toàn xã hội vào công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đủ sức mạnh bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.

Cùng với đó, tham mưu cho Bộ Chính trị, Đảng ủy Quân sự Trung ương có các chính sách, bước đi phù hợp để bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, từng bước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, gia nhập các tổ chức khu vực, quốc tế.

Có thể khẳng định, với hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Đức Anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó. Ở chiến trường, mặt trận, lĩnh vực nào đồng chí cũng để lại những dấu ấn rõ nét. Đặc biệt, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến động, với nhiều nguy cơ và thách thức, Đại tướng Lê Đức Anh có những đề xuất tham mưu chiến lược xuất sắc cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng để tái thiết đất nước, chỉ đạo khởi xướng và triển khai công cuộc đổi mới, phá thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước; cùng Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân và nền quốc phòng toàn dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước. Đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh đã cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề ra và chỉ đạo triển khai thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, đưa đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày càng nâng cao vai trò, vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế.
 

Thượng tướng PHAN VĂN GIANG
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương,
Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam,
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng