Đại tướng Lê Đức anh chỉ đạo nâng cao trình độ tác chiến của pháo binh Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc
Ghi nhận những thành tích của Binh chủng Pháo binh trong hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, Binh chủng Pháo binh và 75 đơn vị, 15 cán bộ, chiến sĩ được Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, trong đó có 6 đơn vị được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” lần thứ hai. Đặc biệt, năm 2006, Binh chủng được tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đây là niềm vinh dự to lớn, thể hiện sự ghi nhận và quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với Binh chủng Pháo binh.
Dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Pháo binh Việt Nam không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Trong đó có dấu ấn rất quan trọng của Đại tướng Lê Đức Anh, nhất là khi Đại tướng trên cương vị Thứ trưởng, rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong giai đoạn dân tộc ta phải đối phó với cuộc chiến tranh diễn ra ở hai đầu đất nước.
Sau khi kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Trung tướng Lê Đức Anh được chỉ định làm Tư lệnh Quân khu 9, tiếp đó là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, kiêm Chỉ huy trưởng cơ quan tiền phương Bộ Quốc phòng ở Mặt trận Tây Nam.
Từ năm 1981 đồng chí là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Trên các cương vị công tác, Đại tướng đã chỉ đạo nâng cao trình độ tác chiến của Pháo binh Việt Nam đáp ứng với tình hình mới của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.
Tháng 4/1977, khi quân Pôn Pốt tấn công tuyến biên giới thuộc địa bàn Quân khu 9, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng tập thể Đảng ủy và Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền đất nước, khôi phục các đảo và đất đai bị lấn chiếm. Bộ đội thường trực của Quân khu được khôi phục lại biên chế, quân số, trong đó lực lượng pháo binh ở mỗi tỉnh có một đại đội pháo xe kéo thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.
Để chuẩn bị cho lực lượng pháo binh cùng với các lực lượng khác chiến đấu giữ vững chủ quyền biên giới Tây Nam và cùng các lực lượng vũ trang bạn tổng tiến công giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Pháo binh tổ chức bộ phận tiền phương bên cạnh Tiền phương Bộ Quốc phòng để nắm tình hình và kịp thời chỉ đạo tác chiến pháo binh ở phía Nam; củng cố pháo binh của bộ đội địa phương, pháo binh của các trung đoàn biên phòng, pháo binh của dân quân tự vệ thuộc các xã, xí nghiệp lâm trường gần biên giới ven biển; tăng cường lực lượng pháo dự bị cho Quân khu 9. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Đức Anh, Bộ Tư lệnh Pháo binh tổ chức hội nghị pháo binh trên chiến trường Tây Nam. Hội nghị nhằm sơ kết đánh giá hoạt động của pháo binh trong thời gian qua, chỉ đạo về xây dựng lực lượng, sử dụng pháo binh trong chiến đấu, chuẩn bị cho tác chiến với quy mô lớn. Hội nghị xác định: tổ chức các đơn vị pháo binh xe kéo của quân khu luân phiên lên tuyến trước tham gia chiến đấu và về tuyến sau huấn luyện bổ sung quân số trang bị chuẩn bị cho các hoạt động quy mô lớn. Pháo binh thuộc các trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh thường trực sẵn sàng chiến đấu và tổ chức huấn luyện tại chỗ.
Đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và thực hiện nhiệm vụ quốc tế của Đảng, Nhà nước giao cho quân đội ta cùng với lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia giúp đỡ bạn mở cuộc tổng tiến công tiêu diệt chế độ Pôn Pốt. Lực lượng pháo binh Việt Nam đã huy động trong cuộc tiến công gồm 24 trung đoàn, lữ đoàn; 1 tiểu đoàn và 6 đại đội pháo binh địa phương, tương đương 48 tiểu đoàn. Mỗi quân khu, quân đoàn sử dụng 2 tiểu đoàn chiến dịch để chi viện chung còn lại tăng cường cho mỗi sư đoàn bộ binh 1 đại đội. Mỗi sư đoàn tổ chức 1 cụm pháo khoảng 2 tiểu đoàn pháo. Mỗi trung đoàn bộ binh đi đầu thọc sâu, ngoài pháo mang vác có trong biên chế, được phối thuộc 1 đại đội pháo xe kéo đi trong đội hình để chi viện trực tiếp trong chiến đấu. Các Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 có 1 tiểu đoàn B72, phối thuộc cho sư bộ binh đi đầu 1 trung đội. Tổng số pháo toàn chiến dịch có 487 khẩu pháo xe kéo và 1.328 khẩu pháo mang vác, pháo xe kéo làm nhiệm vụ bắn ngắm trực tiếp sử dụng 320 khẩu. Với lực lượng mạnh, tổ chức chặt chẽ, công tác chuẩn bị chu đáo, pháo binh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của chiến dịch giao.
Trên chiến trường Campuchia, đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Pháo binh cử Cơ quan đại diện Bộ Tư lệnh Pháo binh (do đồng chí Phó Tư lệnh Binh chủng làm đại diện, nằm trong Bộ Chỉ huy quân tình nguyện 719) có nhiệm vụ làm tham mưu cho Bộ Tư lệnh 719 giúp đỡ, chỉ đạo chủ nhiệm và cơ quan tham mưu pháo binh các mặt trận của quân tình nguyện Việt Nam cùng với pháo binh Quân đội cách mạng Campuchia tác chiến, huấn luyện, xây dựng lực lượng. Đến cuối năm 1986, ta bàn giao dần nhiệm vụ tác chiến cho Campuchia và từng bước rút lực lượng pháo binh về nước. Ngày 26/9/1989, đơn vị pháo binh cuối cùng rút về nước.
Trong khi tình hình chiến sự ở biên giới Tây Nam và chiến trường Campuchia tiến triển theo chiều hướng thuận lợi cho ta và cách mạng Campuchia, thì tình hình ở biên giới phía Bắc ngày càng phức tạp. Ngày 17/02/1979, chiến sự đã bùng nổ ở biên giới phía Bắc. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, pháo binh có bước điều chỉnh thế bố trí và tăng cường lực lượng.
Cuối năm 1986, Đại tướng Lê Đức Anh từ Bộ Tư lệnh 719 ở Campuchia về nhận nhiệm vụ Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đến giữa năm 1987 đồng chí được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong bối cảnh đất nước, quân đội đang đứng trước những khó khăn: Mỹ tiếp tục bao vây cấm vận; chiến tranh ở hai đầu đất nước tuy cường độ giảm dần nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp; kinh tế - xã hội đang lâm vào khủng khoảng trầm trọng. Trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng, việc đầu tiên Đại tướng đi thị sát dọc vùng biên giới 6 tỉnh phía Bắc, quần đảo Trường Sa để nắm tình hình thực tiễn. Từ kết quả thị sát, Đại tướng đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị tăng cường việc dự báo, đánh giá các tình huống chiến tranh; ngoài các tình huống cũ, cần xem xét các tình huống mới có thể xảy ra.
Đồng chí chỉ đạo nghiên cứu điều chỉnh bố trí lại lực lượng cho hợp lý, cân đối, nhất là lực lượng dự bị chiến lược. Ở biên giới phía Bắc, ta cần rút từng phần các đơn vị chủ lực về tuyến 2, tăng cường xây dựng bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ đảm nhiệm phòng thủ phía trước. Làm như vậy, ta vừa tạo được thế phòng thủ có chiều sâu, vững chắc hơn, vừa giảm sự căng thẳng đối đầu của khối quân chủ lực giữa hai nước, tạo điều kiện tiến tới giải pháp thương lượng chính trị giữa ta và Trung Quốc.
Nghiên cứu giảm dần quân số thường trực đi đôi với chấn chỉnh tổ chức biên chế nhưng vẫn bảo đảm sẵn sàng chiến đấu. Quân số thường trực ít nhưng tinh nhuệ, hiện đại, cơ động linh hoạt. Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành vững mạnh. Tăng cường phòng thủ bờ biển, hải đảo và thềm lục địa. Nghiên cứu, tìm ra cách đánh của quân chủ lực. Xuất phát từ đặc điểm của chiến tranh hiện đại, chiến tranh sẽ diễn ra với quy mô, cường độ, tính chất lớn hơn, hiện đại hơn, ta khó giành thắng lợi trên tuyến đầu, thời gian đầu. Vì vậy phải tích cực xây dựng lực lượng mạnh tại chỗ, đánh lâu dài, không thể sử dụng lực lượng dự bị chiến lược sớm, tiến hành phản công lớn ngay mà phải dùng cách đánh cho địch phải sa lầy.
Đồng chí đã chỉ đạo xây dựng nền công nghiệp quốc phòng tự chủ, có khoa học - kỹ thuật tiên tiến, có lực lượng cán bộ và nhân viên khoa học ngày càng phát triển. Đây là những nhận định, đánh giá, đề xuất thể hiện tầm nhìn chiến lược của vị tướng đã trải qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc trong thế kỷ XX.
Trung ương đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng chỉ đạo từng bước triển khai thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc với tư duy mới. Thực chất là chuyển tổ chức quân đội sang thời bình, chuẩn bị cho thời chiến và đáp ứng với yêu cầu sẵn sàng chiến đấu trước mắt. Lực lượng pháo binh đã triển khai thực hiện chỉ đạo về xây dựng lực lượng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Lực lượng pháo binh đã có những điều chỉnh mới. Trước hết, là việc hợp nhất pháo binh của Đặc khu Quảng Ninh với pháo binh Quân khu 3. Bố trí Lữ đoàn Pháo binh 40 trong đội hình Quân đoàn 3 đứng chân ở địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Điều chỉnh pháo binh Quân khu 1, Quân khu 3 hướng Quảng Ninh, Quân đoàn 26, Quân đoàn 29 ở tuyến trước về tuyến sau. Củng cố, hoàn thiện xây dựng pháo binh ba thứ quân. Pháo binh của chủ lực được bố trí lùi về phía sau, thường xuyên thay phiên, tổ chức thành các cụm pháo, phân độ pháo binh cấp đại đội, tiểu đoàn chi viện hỏa lực cho nhiệm vụ phòng ngự, chống lấn chiếm biên giới. Bố trí pháo binh phòng thủ hải đảo và bờ biển. Các đơn vị pháo binh toàn quân thực hiện mô hình biên chế các loại đơn vị đủ quân, rút gọn và khung thường trực. Xây dựng, huấn luyện lực lượng dự bị động viên pháo binh.
Với nhiệm vụ huấn luyện, thực hiện phương châm huấn luyện cơ bản, hệ thống, toàn diện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng đối tượng, từng chiến trường, đạt trình độ tinh nhuệ, bảo đảm cho các đơn vị có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu trước mắt, làm tròn nhiệm vụ quốc tế đối với Lào và Campuchia. Nâng cao trình độ tác chiến hiệp đồng quân binh chủng quy mô cấp trung đoàn, sư đoàn. Lực lượng pháo binh đã tổ chức huấn luyện vững chắc kỹ thuật, chiến thuật từng người đến đại đội, hợp luyện đến tiểu đoàn, luyện chỉ huy tham mưu đến cấp trung, lữ đoàn; gắn lý luận với thực hành, lấy thực hành làm chính, theo cách đánh của ta; vận dụng những kinh nghiệm chiến đấu vào huấn luyện cho phù hợp từng đơn vị, từng chiến trường. Đến giữa năm 1989, lực lượng pháo binh toàn quân có bước điều chỉnh lớn về tổ chức, biên chế theo hướng tinh gọn nhưng vẫn bảo đảm khả năng chiến đấu cao.
Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, từ tháng 5 đến tháng 6/1991, pháo binh tiếp tục chấn chỉnh biên chế, lực lượng. Theo đó, pháo binh dự bị có các trung đoàn, lữ đoàn pháo, tên lửa, gom lực lượng tên lửa chống tăng B72 toàn quân về Bộ Tư lệnh Pháo binh quản lý và huấn luyện. Trung đoàn pháo binh ở các quân khu, quân đoàn được nâng cấp thành lữ đoàn pháo binh hỗn hợp trực thuộc quân khu, quân đoàn; giải thể các trung đoàn pháo binh của sư bộ binh và tổ chức 2 tiểu đoàn cối và ĐKZ trong các sư bộ binh. Các đơn vị có biên chế thiếu, khi có chiến tranh được động viên bổ sung, bảo đảm đủ sức hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu. Công tác điều chỉnh bố trí chiến lược, tổ chức xây dựng lực lượng pháo binh theo chỉ đạo của Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng diễn ra cơ bản từ năm 1988 đến năm 1992 và được tiến hành từng bước có hiệu quả. Đó là cơ sở để Binh chủng Pháo binh chỉ đạo chuyển hướng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng lực lượng pháo binh đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thực hiện chỉ đạo của Đại tướng Lê Đức Anh, Binh chủng Pháo binh tiếp tục nâng cao trình độ tác chiến của pháo binh trong điều kiện mới của cuộc chiến tranh nhằm phát huy cao nhất khả năng hỏa lực của các thành phần lực lượng pháo binh ba thứ quân; chú trọng bảo toàn lực lượng, phương tiện, duy trì khả năng chiến đấu lâu dài, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc. Trong đó tập trung vào các nội dung về tổ chức sử dụng lực lượng; lập và chuyển hóa thế trận; tổ chức, chỉ huy hỏa lực; tổ chức cơ động để thực hiện nhiệm vụ theo quyết tâm của người chỉ huy binh chủng hợp thành và kế hoạch sử dụng pháo binh trong các loại hình tác chiến chiến lược, chiến dịch và chiến đấu góp phần nâng cao trình độ tác chiến của pháo binh.
Hiện nay và những năm tiếp theo, Binh chủng Pháo binh tiếp tục chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng pháo binh các cấp, không ngừng phát huy truyền thống “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng” trong điều kiện mới. Theo đó, Binh chủng đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Trong đó, tập trung đổi mới toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức huấn luyện và đổi mới hình thức, tổ chức, phương pháp huấn luyện, diễn tập, quyết tâm thực hiện tốt “3 thực chất” trong huấn luyện (huấn luyện thực chất, ôn luyện thực chất, kiểm tra đánh giá kết quả thực chất). Đặc biệt, Binh chủng chỉ đạo các đơn vị bám sát tiêu chuẩn “Đơn vị pháo binh huấn luyện giỏi” để cụ thể hóa thành các tiêu chí, chỉ tiêu huấn luyện cho từng lực lượng, bảo đảm huấn luyện toàn diện nhưng chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tế chiến đấu, đối tượng tác chiến, phù hợp với tổ chức biên chế, trang bị và yêu cầu tác chiến trong điều kiện chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Binh chủng Pháo binh chủ động và phối hợp với các đơn vị nghiên cứu nâng cao chất lượng vũ khí trang bị; đề xuất với Bộ mua sắm, trang bị vũ khí mới có chọn lọc; xây dựng lực lượng pháo binh ba thứ quân hoàn thành xuất sắc vai trò hỏa lực mặt đất chủ yếu của quân đội ta trong điều kiện mới của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thiếu tướng NGUYỄN HỒNG PHONG