Đại tướng Lê Đức Anh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều chỉnh thế bố trí chiến lược trên địa bàn Quân khu 1 trong những năm 1987 - 1992
Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã đảm nhiệm nhiều cương vị công tác quan trọng, như: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sau này là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đưa ra nhiều quyết sách lớn, trong đó có quyết sách về điều chỉnh thế bố trí chiến lược trên địa bàn cả nước, đặc biệt là hướng Quân khu 1.
Năm 1986, trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh đi thị sát biên giới sáu tỉnh phía Bắc, gặp gỡ nhân dân, cán bộ địa phương hỏi chuyện cán bộ, chiến sĩ và nhận thấy nhiều vấn đề nổi cộm. Trong Hồi ký giai đoạn 1986 - 1992, đồng chí đã viết: “Bấy lâu nay, các đơn vị cấp dưới báo cáo lên cấp trên thường chỉ nói mặt tốt, ưu điểm, còn mặt yếu kém, khuyết điểm thì không báo cáo. Lúc đó, tôi thấy rõ bộ đội về tinh thần rất căng thẳng, về vật chất thì điều kiện ăn, ở, sinh hoạt rất thiếu thốn, kham khổ. Bởi vậy, bộ đội sinh ra bất mãn, tiêu cực và vi phạm kỷ luật dân vận, có nơi bộ đội quan hệ với nhân dân chưa tốt. Quan hệ cán bộ, chiến sĩ cũng nhiều nơi chưa tốt. Ngày hôm sau, tại một số điểm chốt, tôi bảo anh em hãy cho đơn vị lui về phía sau. Anh em cán bộ và cả chiến sĩ nữa nói rằng, nếu mình lui mà bên kia họ lên thì lo lắm. Tôi bảo cứ rút đi. Tiếp đó, tôi cho rút từng phần các đơn vị chủ lực về tuyến hai để đưa dân quân, bộ đội địa phương và bộ đội biên phòng lên tuyến một...”.
Chuyến thị sát này là cơ sở để đồng chí Lê Đức Anh báo cáo với Bộ Chính trị, Đảng ủy Quân sự Trung ương đề ra các chủ trương, giải pháp chỉ đạo, điều chỉnh thế bố trí chiến lược quốc phòng trên cả nước và hướng Quân khu 1. Sau đó Đại tướng Lê Đức Anh cùng tập thể Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá V) ra Nghị quyết số 33/NQ-TƯ ngày 21/7/1986 “Về nhiệm vụ quân sự quốc phòng 5 năm (1986 - 1990)”, trong đó xác định: “Nâng cao chất lượng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng quân đội chính quy ngày càng hiện đại, đạt cho được một bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tổng hợp, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quốc tế và nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế”. Nghị quyết cũng đã đề cập một số vấn đề về điều chỉnh lực lượng, thế bố trí chiến lược phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Từ tháng 02/1987, đồng chí Lê Đức Anh là Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong những năm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, với bề dày kinh nghiệm thực tiễn và nhãn quan chiến lược, đồng chí Lê Đức Anh cùng tập thể Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân tiến hành điều chỉnh thế bố trí chiến lược của cả nước và địa bàn Quân khu 1.
Đại tướng Lê Đức Anh đã đề xuất kế hoạch xây dựng Quân đội tinh, gọn, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu cao và cắt giảm lực lượng vũ trang để tập trung cho phát triển đất nước; điều chỉnh chiến lược phòng thủ đất nước trong tình hình mới, phù hợp với điều kiện kinh tế lúc bấy giờ mà vẫn bảo đảm sức mạnh để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Khi kế hoạch được Bộ Chính trị thông qua, trên cương vị Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Lê Đức Anh đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức xây dựng, bố trí thế trận phòng thủ đất nước theo hướng phù hợp, hiệu quả. Chỉ đạo ban hành các văn bản và triển khai trên toàn quốc về “Thế trận chiến tranh nhân dân” và nhiệm vụ “Quốc phòng toàn dân”, làm cơ sở để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02/NQ-BCT xác định nhiệm vụ quốc phòng đến năm 1990 và những năm tiếp theo. Nghị quyết được triển khai thực hiện đã nhanh chóng đi vào cuộc sống; phát động được toàn dân xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng các khu vực phòng thủ từ tỉnh, thành phố đến cơ sở xã, tạo nên sức mạnh tại chỗ của nền quốc phòng.
Quân khu 1 đảm nhiệm phòng thủ trên hướng chiến lược của quốc gia. Trong và sau chiến tranh biên giới phía Bắc (02/1979) lực lượng phát triển đông, tổ chức biên chế lớn. Đến giữa năm 1987, các đơn vị chủ lực của Quân khu có trên 130.000 quân, trong đó số cán bộ là sĩ quan trên 2 vạn. Biên chế của Quân khu gồm 2 quân đoàn, một sở chỉ huy bổ trợ và các đơn vị trực thuộc. Chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Nghị quyết
Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IV về nhiệm vụ đổi mới quân sự, quốc phòng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, ngay từ nửa cuối năm 1986 đến đầu năm 1987, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu bước đầu điều chỉnh thế trận và đội hình phòng ngự trên hai tỉnh biên giới. Quân khu đã quyết định điều các trung đoàn bộ binh 540, 460, 199 về Bộ Chỉ huy quân sự Lạng Sơn; các trung đoàn 851, 852, 529 về Bộ Chỉ huy quân sự Cao Bằng làm nhiệm vụ phòng ngự tuyến 1; chuyển Sư đoàn 327, 347 thuộc Quân đoàn 14 về trực thuộc Quân khu. Các đơn vị chủ lực lui về tuyến sau phòng ngự ở trận địa cơ bản và cơ động phản kích trên các hướng, phối hợp với các lực lượng bảo vệ đường biên, đấu tranh ngăn chặn hàng tâm lý chiến thẩm lậu qua biên giới.
Chấp hành chủ trương của Trung ương Đảng về nhiệm vụ quốc phòng trong 5 năm 1986 - 1990, năm 1987, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức bố trí điều chỉnh theo chủ trương của Bộ. Tháng 02/1987, Đảng ủy Quân khu họp ra nghị quyết xác định: Tập trung lãnh đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân, nâng cao chất lượng các cơ quan quân sự địa phương tỉnh, huyện, xã, củng cố kiện toàn khung động viên. Tổ chức xây dựng bộ đội chủ lực gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu tác chiến, xây dựng kinh tế và phát triển lực lượng khi cần thiết, tinh giản cơ quan, thu gọn đầu mối, kiên quyết cắt bỏ những đơn vị có thể rút gọn để thực hiện giảm quân số mà các đơn vị vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Thực hiện Kế hoạch 87/A về điều chỉnh lực lượng, từ tháng 6 đến tháng 11/1987, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã tập trung lãnh đạo, tổ chức điều chỉnh thế chiến lược thực hiện chuyển dịch các đơn vị chủ lực của Quân khu, bao gồm 2 Quân đoàn (Quân đoàn 14, 26) và một số đơn vị trực thuộc bố trí ở tuyến 1 về bố trí ở tuyến 2. Rút gọn Ban Chỉ huy quân sự 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, giải thể một số đầu mối đơn vị thuộc Quân đoàn 26 và một số đơn vị trực thuộc Quân khu, tăng cường cho bộ đội địa phương và bộ đội biên phòng theo ý định của Bộ Quốc phòng, phù hợp với phương án phòng thủ mới. Việc điều chỉnh thế bố trí chiến lược trên các tuyến phòng thủ được tiến hành theo trình tự: Giảm đầu mối đơn vị chủ lực, tăng cường cho 2 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, đồng thời giải thể một số đơn vị địa phương thuộc quyền chỉ huy cấp huyện, thị; tập trung củng cố, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên.
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo các cơ quan Quân khu cùng các đơn vị, địa phương xây dựng phương án tác chiến phòng thủ cơ bản trên hai hướng Lạng Sơn và Cao Bằng theo tổ chức và bố trí lực lượng mới. Cùng đảng bộ, chính quyền tập trung xây dựng huyện biên giới, xây dựng các chốt, cụm điểm tựa và thiết bị chiến trường. Xây dựng căn cứ hậu cần, kỹ thuật, phát huy lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Bảo đảm đầy đủ lực lượng, vũ khí phương tiện, lương thực, thực phẩm cho các đơn vị tuyến 1, bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới, chống lấn đất, xâm nhập trái phép. Các đơn vị tuyến sau tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện quân sự, tổ chức diễn tập, hành quân rèn luyện, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành mệnh lệnh, sẵn sàng cơ động khi có tình huống đột xuất ở biên giới và gây rối, bạo loạn trong nội địa.
Việc rút gọn, giải thể nhiều đầu mối đơn vị, giảm mạnh lực lượng bộ đội thường trực đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý, tư tưởng bộ đội, nhất là đối với đội ngũ cán bộ. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Quân khu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ thấu suốt quan điểm, đường lối quân sự của Đảng, nhất trí cao với những chủ trương, giải pháp điều chỉnh tổ chức, lực lượng của Quân khu. Vì vậy, việc rút gọn biên chế, điều chỉnh thế bố trí chiến lược của lực lượng vũ trang Quân khu bước đầu đạt được kết quả tốt.
Cùng với việc điều chỉnh lực lượng và thế bố trí chiến lược, Quân khu còn chỉ đạo ngành Hậu cần thường xuyên bảo đảm tốt đời sống cho bộ đội trong điều kiện có những biến động lớn về biên chế tổ chức và lực lượng. Cục Hậu cần Quân khu thường xuyên quan hệ chặt chẽ với cơ quan Tổng cục Hậu cần, chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng ngoài quân đội và các địa phương bảo đảm đủ chỉ tiêu kế hoạch hậu cần (tiếp nhận lương thực đạt 80%, thực phẩm đạt 73% kế hoạch); bảo đảm đúng, đủ tiêu chuẩn định lượng cơ bản cho bộ đội. Bên cạnh đó, cấp uỷ, chỉ huy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, cơ quan đẩy mạnh công tác tăng gia, chăn nuôi, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội; chủ động tổ chức khai thác, sản xuất vật liệu tại chỗ phục vụ tu sửa, xây dựng nhà ở, nhà kho, nhà xe pháo ở các vị trí đóng quân mới, từng bước ổn định đời sống bộ đội. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu lãnh đạo, chỉ đạo Cục Hậu cần Quân khu tiếp nhận 2 đoàn điều dưỡng thương binh, bệnh binh (Đoàn 157 và Đoàn 159); giải thể Đội điều trị 44; thành lập Bệnh viện dã chiến 83 (khu vực đường 1B); sáp nhập Trường Y vào Viện 91; sáp nhập Phòng Kinh tế, Phòng Thuỷ năng, Đội Vận tải của Sở chỉ huy bổ trợ, đội Vận tải thuỷ Đông Bắc về Trung đoàn 651; thành lập Công trường 88 làm nhiệm vụ xây dựng doanh trại Quân khu bộ. Hai đoàn điều dưỡng thương binh, bệnh binh (Đoàn 157, Đoàn 159) và 2 bệnh viện (Viện 91, Viện 110) được Quân khu đầu tư xây dựng mới khu nhà ăn tập thể, khu vui chơi giải trí cho thương, bệnh binh; nâng cấp trang thiết bị, dụng cụ y tế; tăng cường y, bác sĩ, nhân viên phục vụ, bảo đảm cho việc nuôi dưỡng thương, bệnh binh ngày càng tốt hơn.
Về công tác kỹ thuật, Quân khu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp nhận, thu gom, dồn dịch vũ khí, trang bị kỹ thuật của các đơn vị giải thể chuyển về tuyến sau. Cục Kỹ thuật đã tiếp nhận và chuyên chở hàng nghìn tấn đạn, vũ khí, trang bị; hàng nghìn xe pháo, phương tiện kỹ thuật về các kho tuyến sau bảo đảm an toàn; tiến hành xây dựng và mở rộng hàng trăm nhà xe, pháo; hàng chục kho để tiếp nhận, bảo quản. Các loại vũ khí, trang bị chuyển về sau đều được tổ chức phân loại, bảo quản, quản lý chặt chẽ. Công tác theo dõi quản lý nắm hồ sơ lý lịch từng loại vũ khí, trang bị, kỹ thuật được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm đồng chủng loại,... Đây là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của lực lượng vũ trang Quân khu trong công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật trong điều chỉnh lực lượng và thế bố trí chiến lược.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 30/7/1987 về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và cơ chế lãnh đạo mới của Đảng đối với lực lượng vũ trang địa phương, Quân khu thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan quân sự địa phương tiếp tục xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp. Để tập trung xây dựng lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ điều chỉnh thế bố trí chiến lược mới, giai đoạn này, Đảng ủy Quân khu đã họp ban hành các nghị quyết chuyên đề: Nghị quyết về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, Nghị quyết về công tác an ninh quốc phòng, Nghị quyết về động viên quân đội. Lực lượng dân quân, tự vệ toàn Quân khu đã giảm từ 11,3% (năm 1988) xuống còn 10% (năm 1989) so với tổng dân số, giữ vững tỷ lệ tự vệ 20 - 25% so với tổng số cán bộ công nhân, viên chức; chất lượng mọi mặt được nâng lên góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Quân khu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục xây dựng hoàn thiện kế hoạch động viên quân đội, tiến hành thâm nhập, phúc tra nắm chắc số lượng, chất lượng nguồn dự bị động viên của cơ quan, đơn vị mình quản lý.
Căn cứ quy định của Bộ Quốc phòng về tổ chức lực lượng thường trực của Quân khu, tháng 10/1988, Đảng ủy Quân khu ra Nghị quyết chuyên đề về “Tổ chức xây dựng lực lượng”. Nghị quyết chỉ rõ: “Quán triệt sâu sắc toàn diện và chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh của cấp trên về chấn chỉnh tổ chức giảm biên chế. Kiên quyết giảm số lượng quân thường trực đạt chỉ tiêu giao, nhưng phải tăng cường chất lượng... Trong tổ chức thực hiện phải kiên quyết tích cực, khẩn trương nhưng thận trọng, bảo đảm nguyên tắc, thủ tục, chính sách, nhất là đối với quân số ra. Tuyệt đối giữ bí mật kế hoạch tổ chức biên chế”. “Ra sức kiện toàn tổ chức biên chế, giảm quân thường trực, xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh về mọi mặt, lấy xây dựng chính trị tư tưởng, xây dựng Đảng làm cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ làm then chốt...”.
Thực hiện Nghị quyết trên, toàn Quân khu chỉ để 1 sư đoàn đủ quân, còn 5 sư đoàn mỗi sư đoàn có một trung đoàn đủ quân. Riêng Sư đoàn 346 chỉ có 1 tiểu đoàn đủ quân thuộc Trung đoàn 246. Hai trung đoàn thuộc 2 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và các tiểu đoàn của các huyện giáp biên vẫn giữ đủ quân làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu ở tuyến 1. Nhờ thực hiện tốt chủ trương giảm quân số của trên, Quân khu đã giảm được 12.717 người (từ 102.156 xuống còn 89.439 người; sĩ quan từ 18.000 xuống còn 15.414 người).
Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch A và chuẩn bị triển khai thực hiện kế hoạch B (kế hoạch giải thể, rút gọn biên chế tổ chức lực lượng), tháng 3/1989, Bộ Tư lệnh Quân khu thành lập Ban Chỉ đạo rút gọn do đồng chí Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng làm Trưởng ban. Các quân đoàn, sư đoàn đều thành lập ban chỉ đạo, giúp đảng uỷ, chỉ huy các cấp thực hiện kế hoạch rút gọn bảo đảm đúng kế hoạch.
Trong 2 năm (1987 - 1988) thực hiện kế hoạch A, các đơn vị chủ lực của Quân khu đã nhanh chóng di chuyển lui về tuyến sau, bố trí lại đội hình, giảm quân số, rút gọn biên chế tổ chức; khẩn trương xây dựng, hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến theo phương án phòng thủ mới. Quân khu giải thể 1 quân đoàn (Quân đoàn bổ trợ), 2 sư đoàn bộ binh, 2 trung đoàn bộ đội địa phương và một số trung đoàn trực thuộc các quân đoàn, sư đoàn; di chuyển toàn bộ lực lượng và một khối lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật của 8 sư đoàn phía trước lui về phía sau. Lực lượng toàn Quân khu đã giảm 36%, riêng đội ngũ cán bộ giảm 30% (so với năm 1986), số cán bộ dư biên chế chỉ còn 8,1%.
Triển khai thực hiện kế hoạch B với phương châm: “Khẩn trương, triệt để, chu đáo, tỉ mỉ, cụ thể, an toàn”, Quân khu lần lượt giải thể Quân đoàn bộ Quân đoàn 26, Sư đoàn 322, Sư đoàn 431, Trung đoàn 460 (Lạng Sơn), Trung đoàn 750 (Cao Bằng), Trung đoàn Thông tin 605 (Quân đoàn 14); hợp nhất Trường Đảng vào Trường Quân chính Quân khu, thành lập Trường Văn hoá - Thiếu Sinh Quân Việt Bắc; chuyển Sư đoàn 346 (Quân đoàn 26) về trực thuộc Quân khu. Trong thực hiện kế hoạch B, các cấp đã có kế hoạch triển khai từng bước cụ thể, phân công tổ chức thực hiện rõ ràng, hợp đồng chặt chẽ giữa các cơ quan - đơn vị, giữa cấp trên và cấp dưới nên việc giải thể, rút gọn, sáp nhập các đơn vị diễn ra nhanh gọn, đúng kế hoạch, bảo đảm an toàn. Kết quả thực hiện kế hoạch B, đến ngày 30/10/1989: Tổng quân số của Quân khu giảm xuống còn 58.050 người, trong đó có 12.550 sĩ quan. Về vũ khí trang bị điều chuyển 407 khẩu pháo cối các loại, 509 xe ô tô, trả trên 36 giàn BM13; thu về kho Quân khu 17.993 khẩu súng bộ binh, 427 pháo cối, 3.552 tấn đạn và hàng nghìn tấn vật chất hậu cần của các đơn vị, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Hệ thống nhà kho, nhà xe pháo từng bước được đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch, vừa bảo đảm bí mật, an toàn, vừa thuận lợi cho việc cơ động khi xảy ra chiến tranh.
Sau khi thực hiện kế hoạch B, số lượng cán bộ dôi dư lớn, đồng chí Lê Đức Anh cùng tập thể Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng tham mưu cho Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW và trực tiếp ban hành Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tăng cường cán bộ quân đội cho cơ sở. Quán triệt và thực hiện các chỉ thị trên, Quân khu đã lựa chọn 551 sĩ quan xuống tăng cường cho 491 trong tổng số 1.030 xã, phường trên địa bàn đạt được kết quả bước đầu quan trọng, khẳng định chủ trương của Bộ Quốc phòng và Quân khu là hoàn toàn đúng đắn. Hoạt động của đội ngũ cán bộ tăng cường cơ sở làm chuyển biến tình hình ở những xã, phường khó khăn, phức tạp, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, nâng cao chất lượng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ, giữ vững an ninh chính trị, tham gia cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội,... được cấp uỷ, chính quyền địa phương đánh giá cao. Sau sơ kết 1 năm triển khai thực hiện, Quân khu tiếp tục lựa chọn, đưa 150 cán bộ đi xây dựng cơ sở xã, phường, nâng tổng số cán bộ tăng cường cơ sở lên hơn 700 đồng chí.
Từ những năm 1987 - 1989, thực hiện chủ trương của Bộ Quốc phòng, Quân khu đã giảm được một lực lượng khá lớn cả về quân số và đầu mối đơn vị, nhưng lực lượng thường trực vẫn cao so với biên chế mới. Trước thực trạng đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ thị: “Lực lượng vũ trang Quân khu 1 tiếp tục giảm một bước nữa...”. Thực hiện chủ trương của Bộ Quốc phòng, Quân khu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nhanh chóng xây dựng kế hoạch rút gọn (gọi tắt là Kế hoạch Z). Đến hết quý III năm 1990, các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đoàn 14, các trung đoàn bộ binh thuộc hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn đã được giải thể nhanh, gọn, đúng kế hoạch. Một khối lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật, vật tư tài sản được các đơn vị còn lại tiếp nhận hoặc chuyển về Quân khu an toàn.
Đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh thế bố trí chiến lược, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân khu lần thứ IX (tiến hành từ ngày 01 đến ngày 04/10/1991) khẳng định: “Nét nổi bật 5 năm qua là thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh chiến lược nhanh, vững chắc, có phương án và có kế hoạch phòng thủ mới, kịp thời; điều chuyển lớn lực lượng khẩn trương, an toàn, củng cố thế trận có chiều sâu. Tập trung xây dựng 2 lực lượng, 3 thứ quân, giảm lực lượng thường trực, tích cực xây dựng lực lượng dự bị động viên rộng khắp, dân quân tự vệ được củng cố, có thể đáp ứng được yêu cầu tác chiến phòng thủ...”. Đến đầu năm 1992, nhiệm vụ điều chỉnh chiến lược của lực lượng vũ trang Quân khu cơ bản hoàn thành.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và trực tiếp là của Đại tướng Lê Đức Anh khi đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sau 5 năm (1987 - 1992), Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đã lãnh đạo, chỉ đạo Lực lượng vũ trang Quân khu điều chỉnh lực lượng và thế bố trí chiến lược quốc phòng theo thế trận mới. Thông qua quá trình sắp xếp, bố trí, điều chỉnh, lực lượng vũ trang Quân khu đã giảm một số lượng lớn quân thường trực cả về đầu mối đơn vị và quân số. Các đơn vị được bố trí đội hình và địa bàn phù hợp, số lượng hợp lý bảo đảm luôn sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống; vừa tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố giữ vững thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới đất nước.
Trung tướng NGUYỄN HỒNG THÁI