Quay lại

Đánh thắng 75 tiểu đoàn bình định lấn chiếm Chương Thiện

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hình như đã thành quy luật, mỗi khi cách mạng chuyển giai đoạn, trong chỉ đạo thường có "lượng sượng". Sau Hiệp định Paris cũng vậy. Địch lợi dụng Hiệp định tập trung lực lượng tràn ngập lãnh thổ, bình định lấn chiếm, giành đất giành dân, giành thế mạnh với ta. Nhiều nơi, sợ vi phạm Hiệp định, chần chừ do dự, không dám trừng trị địch nên mất đất, mất dân.
 

Ở Tây Nam Bộ, quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Khu uỷ, trước những vi phạm của địch, đã giương cao pháp lý Hiệp định Paris, đẩy mạnh phản công và tiến công bằng sức mạnh chính trị, quân sự, binh vận và pháp lý, đánh bại kế hoạch tràn ngập lãnh thổ, cắm cờ giành đất, kìm dân, bình định lấn chiếm của địch. Địch tập trung lực lượng rất lớn bình định lấn chiếm Tây Nam Bộ - vùng đông người, nhiều của mà trọng điểm là Chương Thiện, lúc đầu có 30 tiểu đoàn, lúc cao nhất là 75 tiểu đoàn (tháng 8-1973).

Nguyễn Văn Thiệu và đồng bọn thấy tuy Mỹ phải rút quân, nhưng chúng có 1,1 triệu quân với 13 sư đoàn chủ lực, lại được Mỹ viện trợ tối đa về quân sự và kinh tế nên vẫn nuôi ảo vọng sẽ thắng ta.

Từ ngày 27-1-1973, các đồng chí trong Thường vụ Khu uỷ đi kiểm tra nắm tình hình ta, địch ở các địa phương. Anh Sáu Dân (đồng chí Võ Văn Kiệt), Bí thư Khu uỷ, ngày 28-1-1973 làm việc với Thành uỷ Cần Thơ tại Hoả Lựu và đến một trung đoàn chủ lực đóng ven thành phố Cần Thơ, chỉ thị cho đơn vị "đứng" hẳn trong dân, bảo vệ dân, trừng trị quân địch vi phạm Hiệp định.

Ngày 2-2-1973, Thường vụ Khu uỷ họp mở rộng có Quân khu uỷ và một số bí thư tỉnh uỷ tham dự ... Thường vụ Khu uỷ chủ trương: "Phát huy thắng lợi của Hiệp định Paris, không mơ hồ ảo tưởng, nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công bằng sức mạnh của quân sự, chính trị, binh vận, pháp lý, trừng trị địch vi phạm Hiệp định để giành đất giành dân, giành quyền làm chủ, đánh bại bình định lấn chiếm của địch, tiêu diệt và làm tan rã thật nhiều sinh lực địch, phát triển lực lượng ta về mọi mặt. Kiên quyết giữ vững thành quả cách mạng đã giành được, đưa phong trào tiến công và nổi dậy của nhân dân ngày càng phát triển mạnh mẽ và vững chắc hơn".

Sau khi hội nghị nhất trí tán thành, Thường vụ Khu uỷ một mặt báo cáo lên Trung ương Cục và Trung ương Đảng, mặt khác, triển khai cho các cấp trong Khu. Triển khai tới đâu sinh khí phấn khởi tới đó, gỡ được tình hình "lượng sượng" những ngày đầu. Phong trào và khí thế cách mạng phát triển rất tốt ...

Địch chia kế hoạch bình định lấn chiếm Chương Thiện làm hai bước. Bước 1 từ đầu tháng 2-1973 đến cuối tháng 5 - 1973 với yêu cầu là: trở lại tình hình trước khi có Hiệp định Paris. Bước này địch tập trung 30 tiểu đoàn vào các trọng điểm gồm 12 xã (Gò Quao 4 xã, Giồng Riềng 4 xã, Long Mỹ 4 xã). Đối phó với địch, ta bố trí lực lượng vũ trang làm nòng cốt, gồm Trung đoàn 1 chủ lực của Quân khu, một tiểu đoàn địa phương của Cần Thơ ở cánh Long Mỹ, Phụng Hiệp; Trung đoàn 2 ở cánh Ba Hồ và du kích của 12 xã nói trên, cùng chủ lực đấu tranh chính trị, binh vận của đông đảo quần chúng. Ta với địch quần nhau ác liệt cả bốn tháng trời, địch bị tiêu diệt, tiêu hao nhiều lực lượng, đã không đóng thêm được nhiều đồn bốt, không kềm được dân, mà còn bị mất thêm đồn bốt, dân kềm bị giảm.

Nguyễn Văn Thiệu đến Cần Thơ sơ kết bước 1, đã phải nhận xét: "Tình hình chiến sự không phấn khởi lắm, vì chưa bình định được Chương Thiện, chưa đẩy Việt Cộng ra khỏi địa bàn này".

Về phía ta, Khu uỷ và Quân khu uỷ sơ kết đánh giá: Ta đã đánh bại một bước âm mưu bình định lấn chiếm của địch, giành thắng lợi. Tuy nhiên địch vẫn quyết tâm bình định, lấn chiếm Chương Thiện, chúng còn khả năng tăng thêm lực lượng, phương tiện. Trên cơ sở nhận định ấy, Khu uỷ và Bộ tự lệnh Quân khu hạ quyết tâm rất cao: Đánh bại bình định của địch ở Chương Thiện.

Từ tháng 1 đến tháng 7-1973, Khu uỷ và Quân khu tiếp tục đưa phong trào phản công và tiến công trừng trị địch vi phạm Hiệp định lên, một mặt báo cáo xin ý kiến Trung ương Cục và Trung ương Đảng, về quân sự thì xin ý kiến Bộ chỉ huy Miền.

Ngày 19-1-1973, Trung ương Cục có chỉ thị 02 đề ra phương châm: "Kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, võ trang và pháp lý, lấy đấu tranh chính trị làm cơ sở, đấu tranh võ trang làm hậu thuẫn đắc lực ..."; rút phần lớn lực lượng võ trang về căn cứ để chỉnh huấn. Trung ương Cục còn hai lần điện yêu cầu T3 phải thấy tình hình mới, phải có biện pháp mới (điện số 05 và 07), Bộ chỉ huy Miền điện phê bình T3 không thi hành chủ trương của Trung ương Cục và thông báo toàn miền. Dư luận chung cho là Tây Nam Bộ "xé Hiệp định Paris".

Cuối tháng 5-1973, đoàn cán bộ tổng kết công tác đấu tranh chính trị và binh vận của Trung ương, Trung ương Cục đã phê phán Khu 9 làm sai đường lối của trên và nhắc các nơi phải thực hiện 5 cấm (cấm bao vây đồn bốt, cấm gỡ đồn bốt, cấm đánh địch bung ra, cấm pháo kích và cấm xây dựng ấp, xã chiến đấu). Cùng thời gian đó, đoàn đại biểu binh vận và thanh niên của T3 đi R dự hội nghị, tiếp thu chủ trương của trên, Trung ương Cục cho phép về thẳng cơ sở phổ biến không cần thông qua Thường vụ Khu uỷ, cho rằng: hiện nay lấy đấu tranh chính trị, binh vận làm gốc, nơi nào tiến công quân sự là sai lầm ...).

Khu uỷ Tây Nam Bộ còn một số vấn đề lớn chưa thông suốt như: đánh giá tình hình miền Nam sau khi có Hiệp định Paris là vừa có hoà bình vừa có chiến tranh; phương hướng nhiệm vụ đánh địch vi phạm Hiệp định, buộc thi hành Hiệp định, chỉ cảnh giác địch gây lại chiến tranh lớn; phương châm: chính trị là cơ sở, võ trang là hậu thuẫn đắc lực; phương thức là phải khéo léo, yên, ổn, êm, vv ..

Vì vậy, cuối tháng 6-1973, Thường vụ Khu uỷ cử anh Mười Kỷ, Uỷ viên Thường vụ về báo cáo xin ý kiến Trung ương Cục. Gần cuối năm, Bộ Chính trị gọi lần lượt hai anh Sáu Dân, Bí thư và Sáu Nam, Tư lệnh Quân khu ra Hà Nội báo cáo ...

Ngày 18-7-1973, các anh Phạm Hùng, Phan Văn Đáng và Nguyễn Văn Sô làm việc với anh Mười Kỷ. Các anh nhất trí với chủ trương và kế hoạch của T3, có góp một số ý kiến để làm tốt hơn. Được tin này, tập thể Khu uỷ và Bộ tư lệnh Quân khu rất phấn khởi.

Quân địch tiến hành bước 2 lấn chiếm Chương Thiện. Chúng cay cú tập trung lực lượng trên 75 tiểu đoàn, với cách đánh: dùng bom pháo đánh ác liệt để dọn bãi cho trực thăng đổ quân, cày ủi địa hình, kềm giữ dân, tiến hành động đồn bốt, kết hợp với các điểm dã ngoại từ đó đánh loang ra ...

Nhưng bị tiêu hao, tiêu diệt nặng mà không đạt được kết quả, tháng 10-1973, địch buộc phải rút khỏi Chương Thiện. Lực lượng địch bị xoá sổ 10 tiểu đoàn và nhiều phương tiện chiến tranh. Phía ta hy sinh 3.000 người, gồm cả lực lượng võ trang và chính trị. Ta đã gỡ được 633 điểm, diệt 284 điểm, trong đó địa phương tỉnh và huyện gõ 175 điểm, bức hàng 4 điểm, bức rút 349 điểm, giải phóng thêm 390.000 dân, vv ..

Nhìn tổng quát sau một năm có Hiệp định Paris, thế và lực ta đang phát triển đi lên, thế và lực địch đang đi xuống, khả năng bổ sung quân của địch rất khó…

Tháng 7-1973, Ban chấp hành Trung ương họp Hội nghị lần thứ 21, đề ra nghị quyết "Về thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới". Đây là nghị quyết rất quan trọng có ý nghĩa lịch sử. Nghị quyết hạ quyết tâm lớn của Đảng ta: hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Riêng đối với Tây Nam Bộ, Nghị quyết 21 đã hoàn toàn giải toả mọi băn khoăn, mắc mưu, nên được tiếp thu hết sức phấn khởi.

Qua sáu tháng gần như "độc lập chiến đấu", chúng ta rút ra được một số kinh nghiệm tốt:

Một là, chấp hành chỉ thị, nghị quyết của cấp trên phải nghiêm chỉnh, triệt để, với tinh thần trách nhiệm cao. Nhưng khi có những vấn đề chưa thông suốt, chưa nhất trí phải báo cáo xin ý kiến. Đặc biệt khi có những vấn đề mà tập thể đã cân nhắc kỹ, nếu chấp hành chủ trương của trên sẽ đem lại thiệt hại ngay cho cơ sở và phong trào cách mạng thì một mặt xin ý kiến, mặt khác phải dám chịu trách nhiệm thi hành chủ trương mà tập thể cấp mình thấy phù hợp.

Hai là, đánh giá đúng tình hình địch - ta là yếu tố quyết định việc đề ra chủ trương đường lối phù hợp ... Kinh nghiệm xương máu khi thi hành Hiệp nghị Giơnevơ 1954, Mỹ - Diệm đã tuyên bố dứt khoát không thừa nhận Hiệp định, đã dùng súng đạn đàn áp phong trào cách mạng, tàn sát dã man những người cách mạng. Nhưng ta vẫn đấu tranh chính trị, tay không đòi thi hành Hiệp định, tình hình này kéo dài suốt sáu năm trời. Vì vậy, lần này Khu uỷ Tây Nam Bộ chủ trương phát huy thắng lợi của Hiệp định Paris, nhưng phải kiên quyết tiến công, dùng sức mạnh chính trị, quân sự, pháp lý để trừng trị địch vi phạm Hiệp định. Nếu chúng ngoan cố không thi hành thì phải tiêu diệt chúng, để giải phóng hoàn toàn địa bàn Quân khu.

Ba là, phải nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, cầm chắc bạo lực cách mạng. Mơ hồ, hữu khuynh là thất bại. Phải dùng bạo lực trừng trị khi chúng vi phạm Hiệp định; nếu chúng ngoan cố phải kiên quyết đánh bại chúng từng bước, đi đến đánh bại chúng hoàn toàn.
Đồng chí Lê Duẩn, trong bức điện ngày 10-10-1973 gửi đồng chí Phạm Hùng có câu: "... ở Khu 9, tỷ lệ ta - địch là 1/8, nhưng do nắm chắc chỗ mạnh của ta, chỗ yếu của địch, đã biết chủ động tiến công thì vẫn giành được thắng lợi. Ngược lại, ở Trị Thiên, tỷ lệ ta - địch là 1/2, nhưng do đánh giá quá cao chỗ mạnh của địch, không thấy chỗ mạnh của ta, nên các đồng chí địa phương thiên về phòng ngự, cố thủ, đã làm ta bị thất thế, địch lấn tới...".

Ba bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc đánh bại bình định lấn chiếm của địch ở Tây Nam Bộ nói chung và Chương Thiện nói riêng sau Hiệp định Paris không chỉ có giá trị rất lớn cho chỉ đạo phong trào lúc bấy giờ, mà nó vẫn còn nguyên giá trị cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
 

Vũ Đinh Liệu
Sách Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước